Công nghệ

Huawei: Nhờ lệnh cấm, ngành chip Trung Quốc sẽ tái sinh

"Tôi tin ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc sẽ không ngồi yên, mà liên tục nỗ lực củng cố sức mạnh và tăng khả năng tự chủ. Huawei sẽ hỗ trợ mọi nỗ lực tăng cường năng lực và tự chủ của ngành bán dẫn Trung Quốc", Chủ tịch luân phiên Eric Xu cho biết trong cuộc họp báo hôm 31/3 tại Thẩm Quyến.

Ông cho rằng các lệnh cấm vận do Mỹ áp đặt sẽ thúc đẩy, thay vì cản trở ngành bán dẫn nội địa. "Tôi tin ngành chip sẽ tái sinh từ những hạn chế này, trở thành ngành công nghiệp tự chủ", ông nhấn mạnh.

Bán dẫn là một trong những điểm nóng của cuộc cạnh tranh công nghệ giữa Washington và Bắc Kinh. Chính phủ Mỹ đã áp đặt hàng loạt biện pháp cấm vận và hạn chế xuất khẩu để ngăn các công ty Trung Quốc tiếp cận công nghệ bán dẫn tiên tiến.

Bên trong một nhà máy sản xuất chip ở Giang Tô hồi năm 2022. Ảnh: AP

Bên trong một nhà máy sản xuất chip ở Giang Tô năm 2022. Ảnh: AP

Tháng 5/2019, Mỹ đưa Huawei vào danh sách thực thể cần ngăn chặn tiếp cận chuỗi cung ứng công nghệ, trong đó có các dịch vụ của Google. Điều này khiến hãng phải tự phát triển hệ điều hành HarmonyOS và hệ sinh thái Huawei Mobile Services.

Một năm sau, Mỹ tiếp tục giáng đòn mạnh hơn khi các xưởng đúc chip sử dụng công nghệ Mỹ bị cấm vận chuyển các thành phần linh kiện quan trọng cho Huawei. Washington hiện vẫn coi Huawei là mối đe dọa an ninh quốc gia vì cho rằng công ty có quan hệ với Bắc Kinh, cũng như lo ngại Trung Quốc có thể dùng công nghệ bán dẫn tiên tiến của Mỹ cho mục đích quân sự.

Mỹ đang quyết bóp nghẹt mảng bán dẫn của Trung Quốc. Chính quyền Mỹ cuối năm ngoái công bố loạt biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới, ngăn Trung Quốc mua nhiều loại chip bán dẫn được chế tạo bằng thiết bị của Mỹ trên toàn cầu.

Động thái này dựa trên Quy định Sản phẩm Trực tiếp Nước ngoài (FDPR). Quy định được ban hành năm 1959 và bổ sung năm 2020 nhằm cho phép Mỹ kiểm soát những loại chip sản xuất ở nước ngoài, ngăn chúng đến tay Huawei và chặn dòng chảy thiết bị bán dẫn đến Nga.

Theo điều khoản mới, các công ty ở mọi nơi trên thế giới không được phép bán chip máy tính hoặc công nghệ bán dẫn tiên tiến cho Trung Quốc nếu trong sản phẩm có công nghệ Mỹ. Họ phải nộp đơn lên các cơ quan có thẩm quyền của Mỹ để xét duyệt. Phần lớn quy định có hiệu lực ngay lập tức.

(theo CNBC)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm