Nhưng vẫn có một số người thích so đo, soi mói hơn thua trong cuộc sống, đặc biệt là trong những ngày lễ tết, những câu hỏi bất ngờ khó đỡ từ họ hàng vẫn là điều là ai trong chúng ta đều sợ. Nhưng thực ra, nếu nhìn từ một góc độ khác, thì những trường hợp như này cũng là cơ hội hiếm có để giúp bạn kiểm tra, cũng như là rèn luyện EQ của chính mình.
Khi bạn nói huỵch toẹt mức lương của mình cho người khác biết, điều đó cũng đồng nghĩa với việc phơi bày hoàn cảnh thực sự của bạn. Nếu mức lương quá thấp thì người khác sẽ coi thường bạn, còn nếu mức lương quá cao cũng sẽ khơi dậy lòng ghen tị và tham lam của họ, xem ra nói như thế nào cũng thấy không tốt.
Nhưng không sao cả, chỉ cần bạn học được 2 phương pháp sau, bạn sẽ có thể rút lui an toàn trong những câu hỏi thiếu tế nhị đó.
1. Không nói cụ thể con số, chỉ nói "vừa đủ để xoay sở"
Nếu bạn nói ra mức lương cụ thể, trong đầu người khác tất nhiên sẽ có thước đo, cao hay thấp đều không tốt cho bạn. Hơn nữa, đối với một số nghề nghiệp đặc thù, việc tiết lộ mức thu nhập sẽ gây ra những phiền toái, thậm chí là cạnh tranh không đáng có.
Những người thực sự thông minh không bao giờ trực tiếp nói ra con số cụ thể thu nhập của họ. Thường thì họ sẽ giả vờ "khóc lóc đáng thương" để đối phương từ bỏ ý định truy hỏi.
Tôi có một người bạn, anh ta ở quê lên thành phố học rồi làm việc. Khi trở về quê, anh bị rất nhiều người thân "thẩm vấn", mọi người đều cho rằng anh ta đã làm việc ở thành phố nhiều năm nên nhất định cũng tích lũy được không ít tiền của.
Thực tế thì đúng là hiện tại anh ta đã làm giám đốc điều hành công ty, thu nhập và năng lực tuyệt đối hơn người bình thường. Nhưng nếu anh thật sự nói như vậy, thì chắc chắn là mấy anh chị em trong nhà sẽ bị mang ra so sánh là vô dụng, nhưng nếu anh nói dối thì cũng không hợp lý lắm.
Thấy tình hình này, anh ta chỉ giả vờ bất lực và nói: "Tiền lương của con nếu so với mức sinh hoạt ở thành phố thì cũng chỉ thuộc dạng bình thường mà thôi, không đáng là bao."
Thấy anh ta khiêm tốn và kể khổ như vậy, họ hàng cũng không dám hỏi thêm, ít nhất từ chuyện này, họ cũng biết được lương của anh không tệ, nhưng tiền để dành thì cũng không có được bao nhiêu, những người muốn vay tiền nghe vậy cũng sẽ từ bỏ ý định.
Cách trả lời của anh bạn ấy cũng có thể gọi là "bài văn mẫu" đáng để chúng ta sao chép. Đôi khi, bất kể mức lương của bạn cao hay thấp, thì cũng tuyệt đối không nên kể quá chi tiết cho người khác biết. Những chuyện tế nhị như vậy cũng giống như "cái cán dao", nếu bạn giao nó cho người khác, bạn sẽ không biết liệu đối phương có dùng nó để đâm mình một nhát hay không.
Ví dụ như nếu bạn nói quá nhiều sự thật về tài chính của mình, người thân chắc chắn sẽ vay tiền bạn, đến lúc đó nói không cho cũng khó, mà cho mượn rồi thì trên 90% là sẽ không có ngày thu lại được. Cũng có người giả vờ nói mức lương của mình thấp hơn thực tế, khiến người khác tung tin đồn thất thiệt ra bên ngoài, hạ thấp giá trị bản thân bạn, mang lại ưu phiền không đáng có cho cha mẹ.
Trong xã hội hiện đại, cuộc sống của người người đều như nhau, nhà nào cũng có đắng cay, vui buồn riêng, tôi tin người thân thì vẫn là người thân, họ vẫn sẽ biết thông cảm cho bạn nếu bạn biết "than thở" đôi chút như anh bạn của tôi. Không cần nói quá thấp hay quá cao, chỉ cần nói "vừa đủ xoay sở" là được.
2. Trả lời một cách mơ hồ, chỉ đưa ra con số gần đúng
Thực ra, những người hỏi về mức lương của bạn đều là những người thiếu EQ. Câu hỏi của họ mang đến sự khó chịu cho người đối diện, khiến người ta không biết phải trả lời ra sao.
Điều này cũng chứng tỏ rằng những người hay hỏi về mức lương của bạn chẳng qua chỉ là muốn gây sự, kiếm chuyện để nói, hoặc muốn so sánh họ với bạn mà thôi. Chỉ cần bạn không mắc bẫy, thì mưu kế của họ cũng không thể thi triển.
Ví dụ, khi ai đó hỏi về mức lương của bạn, bạn không cần phải trả lời chi tiết, chỉ cần nói một cách mơ hồ là được. Nếu ai đó muốn biết tình hình công việc hiện tại của bạn như thế nào, bạn chỉ cần nói "cũng ổn" là được.
Một vài lời như vậy không chỉ có thể đẩy vấn đề qua một bên mà còn giữ được thể diện cho nhau. Nếu ai đó thực sự không có giới hạn, cứ khăng khăng muốn truy hỏi đến cùng, thì bạn có thể quay ngược lại, hỏi vay tiền của họ, tôi tin rằng chiêu cuối cùng này sẽ có thể khiến họ "á khẩu".
Nói chung, đừng bao giờ phóng đại tiền lương của mình, kẻo sau này sẽ rước thêm vài con nợ. Nhưng cũng đừng quá thật thà, suy cho cùng người khác có thể không thật lòng quan tâm đến bạn, mà chỉ muốn "nắm cán dao" của bạn mà thôi.
Ở thời khắc mấu chốt nhất, chỉ cần tỏ ra thê thảm một chút, trong vài trường hợp, cũng có thể áp dụng chiêu "tiên hạ thủ vi cường" (hành động trước để chiếm thế mạnh), chủ động hỏi mượn tiền họ, tôi nghĩ đa số sẽ không còn ai muốn tiếp tục chủ đề tiền bạc với bạn nữa.
Chuyện đời người, ai uống nước thì người đó tự biết nước ấm hay lạnh. Công việc của ai thì tự người đó biết nó như thế nào. Âm thầm phát triển, âm thầm phát tài mới là cách sống của người thông minh. Đừng quan tâm đến ý kiến của bất kỳ ai, sống cho chính mình mới là ý nghĩa thực sự của cuộc sống.