Kinh doanh

Sự thật việc sầu riêng Việt Nam mất ‘ngôi vương’

Tóm tắt:
  • Xuất khẩu sầu riêng Việt Nam năm nay chỉ đạt 20% kế hoạch, làm giá trị thị trường sụt giảm.
  • Năm 2024, sầu riêng dự kiến đạt kỷ lục xuất khẩu 3,3 tỷ USD, nhưng hiện tại xuất khẩu lao dốc nghiêm trọng.
  • Nguyên nhân chính là chậm đáp ứng yêu cầu kỹ thuật từ Trung Quốc và sự cạnh tranh khốc liệt từ các quốc gia khác.
  • Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang triển khai giải pháp khẩn cấp để cải thiện chất lượng sản phẩm và xuất khẩu.
  • Cần xây dựng hệ thống pháp lý rõ ràng và chuẩn hóa chuỗi giá trị để nâng cao vị thế sầu riêng Việt Nam.

Xuất khẩu lao dốc

Sầu riêng không còn là loại trái cây xa lạ với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Với mùi vị đặc trưng cùng giá trị dinh dưỡng cao, loại trái cây này của Việt Nam đang chiếm lĩnh nhiều thị trường quốc tế.

Năm 2024, xuất khẩu sầu riêng đạt kỷ lục 3,3 tỷ USD, đưa loại quả này trở thành mặt hàng trái cây có giá trị xuất khẩu cao nhất của Việt Nam. Trung Quốc - thị trường tiêu thụ chính - không chỉ duy trì nhu cầu với sầu riêng tươi mà còn bắt đầu mở cửa thêm cho sản phẩm đông lạnh, mở ra kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ.

Tuy nhiên, 4 tháng đầu năm, xuất khẩu sầu riêng chứng kiến sự lao dốc bất ngờ khi tổng kim ngạch chỉ đạt khoảng 120-130 triệu USD, tương đương 35.000 tấn - chỉ đạt 20% so với kế hoạch đề ra. Đây là mức sụt giảm nghiêm trọng nhất trong vòng 3 năm trở lại đây và tác động dây chuyền không chỉ dừng lại ở khâu xuất khẩu mà còn kéo tụt giá trị toàn ngành.

Đầu tháng 5, khi sầu riêng vào mùa thu hoạch, giá bán sầu riêng trong nước giảm sốc, có nơi chỉ còn 30.000 đồng/kg - mức thấp nhất trong vòng 10 năm. Tình trạng sầu riêng chín rụng mà không có thương lái đến mua khiến nông dân buộc phải mang ra bày bán dọc các tuyến quốc lộ đã xuất hiện tại nhiều tỉnh miền Tây.

Sự thật việc sầu riêng Việt Nam mất ‘ngôi vương’ ảnh 1

Sầu riêng Việt đang gặp khó khi xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh minh họa: IT.

Nguyên nhân sâu xa không chỉ đến từ sự chậm trễ trong việc đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của thị trường Trung Quốc như thiếu mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói chuẩn hóa hay hệ thống kiểm nghiệm chất lượng. Hơn thế, Việt Nam còn đang bị đặt trong cuộc cạnh tranh khốc liệt với các quốc gia láng giềng.

Thái Lan vốn là quốc gia xuất khẩu sầu riêng nhiều nhất sang Trung Quốc cũng đang vào chính vụ thu hoạch. Malaysia đã xây dựng hệ thống sản xuất hướng đến phân khúc thị trường cao cấp tại Trung Quốc với những trái sầu riêng chín tự nhiên được vận chuyển bằng đường hàng không đến tay người tiêu dùng của xứ tỷ dân chỉ trong 48 tiếng.

Lào đang quy hoạch vùng trồng chiến lược để hướng tới mục tiêu trở thành nhà cung cấp sầu riêng quan trọng cho thị trường Trung Quốc. Indonesia - nước có sản lượng sầu riêng hàng đầu thế giới - cũng đang bước vào giai đoạn hoàn tất hồ sơ pháp lý để chính thức “chào sân” thị trường Trung Quốc.

Trước áp lực đó, điểm yếu về hệ thống pháp lý, quy trình kiểm dịch và chất lượng sản phẩm của Việt Nam càng trở nên lộ rõ. Khi bạn hàng đặt ra yêu cầu khắt khe thì việc thiếu sự chuẩn bị kỹ càng chính là “nút thắt” lớn nhất khiến dòng chảy xuất khẩu bị chặn lại. Nếu không có những bước đi quyết liệt và đồng bộ, sầu riêng Việt Nam rất dễ mất đi vị thế tại thị trường lớn nhất châu Á.

Hành động thế nào?

Trước những thách thức bủa vây, ông Đỗ Đức Duy - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường - chỉ đạo triển khai một loạt giải pháp khẩn cấp và lâu dài nhằm cứu vãn thị trường sầu riêng.

Trong ngắn hạn, việc phối hợp chặt chẽ với Cục Hải quan Trung Quốc được đặt lên hàng đầu để tháo gỡ các vướng mắc kỹ thuật, vốn là rào cản lớn nhất khiến sản phẩm không thể thông quan. Song song, tiến độ cấp mã số vùng trồng, phê duyệt cơ sở đóng gói và xây dựng phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế sẽ được đẩy mạnh để đáp ứng yêu cầu phía bạn hàng.

Về dài hạn, Bộ xác định cần xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng và chuẩn hóa toàn bộ chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến xuất khẩu. Hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ được hoàn thiện, làm cơ sở để nâng cao chất lượng, giảm phụ thuộc vào thị trường tươi, từng bước phát triển các dòng sản phẩm chế biến sâu như sầu riêng đông lạnh. Đây được xem là chiến lược “vượt bão” bền vững giúp gia tăng giá trị và mở rộng thị trường trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Sự thật việc sầu riêng Việt Nam mất ‘ngôi vương’ ảnh 2

Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề ra hàng loạt giải pháp để vực dậy xuất khẩu sầu riêng. Ảnh minh họa: IT.

Đáng chú ý, Bộ trưởng cũng đề nghị khẩn trương ban hành thông tư hướng dẫn quy trình cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói - hai yếu tố tiên quyết để sầu riêng Việt Nam có thể đi đường chính ngạch. Cùng với đó, các cơ quan chuyên môn cần thiết lập chương trình kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm bài bản, phù hợp với thông lệ quốc tế. Việc tổ chức hội nghị chuyên đề giữa các doanh nghiệp, địa phương và cơ quan quản lý cũng được đề xuất như một nền tảng xây dựng sự đồng thuận và định hướng hành động chung.

Không dừng lại ở trong nước, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng đang tích cực chuẩn bị cho chuyến công tác sang Trung Quốc nhằm bàn thảo chương trình hợp tác toàn diện trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường - trong đó, sầu riêng được xem là một trong những trọng điểm cần đạt được tiếng nói chung.

Tình hình hiện nay là lời nhắc nhở rõ ràng rằng, không thể trông chờ vào sự tăng trưởng "nóng" mà cần một nền tảng phát triển có chiều sâu, hệ thống pháp lý vững chắc và sự đồng hành sát sao giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp và nông dân. Đó là cách duy nhất để giữ vững vị thế sầu riêng Việt Nam trên bản đồ nông sản toàn cầu.

Các tin khác

Elon Musk tiếp tục nhận tin buồn

Bất chấp việc người dân châu Âu đang chuyển sang dùng xe điện nhiều hơn, Tesla lại đang trải qua giai đoạn doanh số sụt giảm nghiêm trọng trên toàn khu vực. Những yếu tố như cạnh tranh khốc liệt, hình ảnh cá nhân của Elon Musk và căng thẳng thương mại đang khiến hãng xe Mỹ gặp nhiều khó khăn.

Nợ xấu ngân hàng tăng vọt trong quý đầu năm

Mặc dù nợ xấu tiếp tục tăng mạnh trong quý I nhưng dự phòng rủi ro lại không tăng tương xứng khiến tỷ lệ bao phủ nợ xấu ngân hàng sụt giảm. Bộ đệm dự phòng rủi ro suy yếu có thể tạo ra áp lực trong những quý tiếp theo.

Giá vàng SJC giảm mạnh

Sáng nay (9/5), giá vàng trong nước giảm mạnh. Theo đó, vàng miếng SJC về quanh mốc 120 triệu đồng/lượng.

Trẻ em đi máy bay, những lưu ý không thể bỏ qua

Mỗi hãng hàng không ở Việt Nam quy định về độ tuổi vận chuyển, hành lý mang theo của trẻ em khác nhau, vì vậy cha mẹ khi đưa trẻ em đi máy bay cần lưu ý những quy định sau đây.