Khởi nghiệp

Startup công nghệ “giải cứu” những gánh hàng rong tại Indonesia: 9 tháng thu hút hơn 2.000 người tham gia, sản lượng hàng hóa tăng 600%

Thực trạng tại Indonesia

Tương tự nhiều nước Đông Nam Á khác, thực phẩm tươi sống như rau củ, hoa quả, thịt và cá được người dân Indonesia tiêu thụ hằng ngày. Chỉ riêng trong năm 2017, tổng mức tiêu thụ các sản phẩm tươi sống ở Jakarta, Bandung và Surabaya ước tính đạt 8,4 tỷ USD (tương đương với 120,9 nghìn tỷ Rp).

Đến nay, việc phân phối những mặt hàng trên vẫn đi theo phương thức truyền thống, dựa vào mạng lưới "tukang sayur" - người bán hàng rong. Tại Indonesia, các cửa hàng rau được chia làm hai loại, bao gồm những ki-ốt cố định và một kiểu khác là bán hàng rong sử dụng xe đạp, đi vào khắp các khu dân cư, ngõ ngách.

Startup công nghệ “giải cứu” những gánh hàng rong tại Indonesia: 9 tháng thu hút hơn 2.000 người tham gia, sản lượng hàng hóa tăng 600% - Ảnh 1.

Việc phân phối rau quả, thực phẩm tươi sống tại Indonesia chủ yếu dựa vào những người bán hàng rong và các ki-ốt.

Trong khi hầu hết khách hàng phụ thuộc vào người bán để có được sản phẩm tươi hàng ngày, thì những gánh hàng rong lại đang gặp khó khăn do tính chất phức tạp trong việc thu thập được sản phẩm tươi chất lượng cao và giá cả phải chăng từ một nguồn duy nhất.

Hành trình của mỗi mớ rau, hoa quả đều bắt đầu từ việc nông dân tập hợp nông sản của mình cho thương lái, sau đó chuyển tới các chợ đầu mối. Mỗi nửa đêm, người bán hàng rong lấy sản phẩm từ những nhà cung cấp này để bán lại cho khách hàng trong khu dân cư. Quá trình dài không chỉ khiến sản phẩm bị đội giá mà còn làm giảm chất lượng và cho tỷ suất lợi nhuận thấp.


"Giải cứu" những gánh hàng rong

Những mô hình giúp phân phối thực phẩm tươi sống không phải là chưa từng có ở Indonesia nhưng hầu như đều chưa đem lại hiệu quả thực sự.

Startup công nghệ “giải cứu” những gánh hàng rong tại Indonesia: 9 tháng thu hút hơn 2.000 người tham gia, sản lượng hàng hóa tăng 600% - Ảnh 2.

Người bán hàng rong chọn sản phẩm qua app sau đó đến lấy tại điểm phân phối gần nhất.

Với mong muốn cung cấp thực phẩm tươi, chất lượng cho người dân với giá cả phải chăng hơn, đồng thời giảm bớt khó khăn cho những chủ hàng rong, cuối năm 2018, cựu Phó Giám đốc của Tập đoàn Triputra, Adrian Hernanto, cùng Ahmad Supriyadi và Rizki Novian đã thành lập Kedai Sayur, công ty khởi nghiệp trao quyền cho người bán rau bằng cách sử dụng công nghệ.

Kedai Sayur làm việc trực tiếp với nông dân và đối tác để tìm nguồn cung ứng, phân phối rau quả. Người bán hàng rong tham gia Kedai Sayur với tư cách đối tác (được gọi là Mitra Sayur) có thể tiếp cận những sản phẩm này chỉ bằng một cú nhấp chuột thông qua ứng dụng Kedai Sayur và lấy hàng từ các điểm phân phối gần nhất. Đối với cửa hàng tạp hóa hay ki-ốt, họ có thể tự đăng ký trở thành điểm phân phối của Kedai Sayur.

Kedai Sayur cũng cung cấp cho các đối tác một loại phương tiện giao hàng có tên "Si Komo", giúp họ tiếp cận người tiêu dùng trực tiếp hiệu quả hơn. Chiếc xe được thiết kế độc đáo, có thể chuyển đổi và sử dụng vào những dịch vụ khác như giao gói hàng, cho phép người bán có thêm thu nhập ngoài việc bán sản phẩm tươi sống.

Đồng thời, startup này cũng hỗ trợ tài chính cho những người muốn mua xe mà chưa đủ vốn.

Startup công nghệ “giải cứu” những gánh hàng rong tại Indonesia: 9 tháng thu hút hơn 2.000 người tham gia, sản lượng hàng hóa tăng 600% - Ảnh 3.

Chiếc xe "Si Komo" tiện lợi.

"Với việc sử dụng mạng lưới và công nghệ rộng lớn, chúng tôi có thể trao quyền cho thị trường sản phẩm tươi sống và chứng minh rằng nền kinh tế cơ sở như những người bán rau cũng có thể cảm nhận được lợi ích của công nghệ.", Adrian Hernanto, giám đốc điều hành của Kedai Sayur cho biết. "Chúng tôi tin rằng sứ mệnh của mình sẽ cải thiện cuộc sống chung cho người bán hàng rong nhờ vào việc giải phóng họ khỏi những giờ làm việc kỳ quặc giữa đêm và mở ra nhiều doanh thu tiềm năng."

Công ty khởi nghiệp này mới đây tuyên bố rằng họ đã đạt được sự tăng trưởng đáng chú ý về số lượng Mitra Sayur, lên tới 520% chỉ sau chín tháng thành lập. Tổng sản lượng hàng hóa (GMV) tăng 600%.

Đến nay, Kedai Sayur có hơn 2.000 người bán hàng rong tham gia với tư cách là đối tác ở khu vực Greater Jakarta và con số này tiếp tục tăng 60% mỗi tháng. Với 80% các đối tác tích cực, tổng giá trị hàng hóa (GMV) của công ty tăng gấp 5 lần trong bốn tháng đầu năm 2019.

Cuối tháng Năm vừa qua, Kedai Sayur đã nhận được khoản tài trợ ban đầu là 1,3 triệu USD (tương đương 17,3 tỷ Rp) từ East Ventures, một quỹ đầu tư tập trung vào khu vực Đông Nam Á và Nhật Bản, đã và đang rót vốn vào Traveloka, Warung Pintar, Fore Coffee, Disdus, Loket,…

Ngày 23/8, startup này tiếp tục nhận được 4 triệu USD từ vòng gọi vốn mới, với sự tham gia của East Ventures cùng Tập đoàn SMDV, Triputra Group và Multi Persada. Quỹ mới sẽ thúc đẩy công ty thu hút thêm nhiều người bán hàng rong và nhà bán lẻ trở thành đối tác, tiếp tục mở rộng mạng lưới các nguồn và nhà cung cấp, cũng như để phát triển công nghệ.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm