Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, trong đó có kinh doanh bất động sản. Vì thế, đã có một số ngân hàng thương mại có động thái ‘siết’ cho vay, ngưng cho vay đối với lĩnh vực bất động sản.
Mới đây, ngân hàng Sacombank đã có thông báo tới Giám đốc khu vực, Giám đốc chi nhánh, và Trưởng phòng giao dịch về việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng năm 2022.
Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về kiểm soát tăng trưởng tín dụng, tổng giám đốc Sacombank Nguyễn Đức Thạch Diễm yêu cầu tập trung tín dụng vào một số lĩnh vực, bao gồm sản xuất, ưu tiên nông nghiệp, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các ngành thương mại, dịch vụ có giá trị gia tăng cao như xuất khẩu, dịch vụ, logistics.
Đặc biệt là, “Không cấp tín dụng đối lĩnh vực bất động sản ngoại trừ cho vay cán bộ nhân viên và người thân/mua/xây sửa bất động sản để ở,” văn bản nhấn mạnh.
Văn bản cũng nêu rõ những nội dung trên được triển khai cho đến ngày 30/06.
Theo bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, tỷ lệ tăng trưởng cho vay bất động sản đối với khách hàng cá nhân tại ngân hàng đã cao. Vậy nên, trong giai đoạn này, Sacombank không cho vay bất động sản nữa mà tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
Tương tự, Tecombank cũng vừa thông báo đến Bộ phận Phát triển giải pháp cho vay thế chấp với các đơn vị kinh doanh về việc kiểm soát hạn mức giải ngân đối với các khoản vay mua bất động sản.
Trước Sacombank và Techcombank, nhiều ngân hàng như Vietcombank, Ngân hàng An Bình ABB đã hạn chế cho vay vốn bất động sản từ năm 2021.
Theo ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc chi nhánh Batdongsan.com.vn tại khu vực miền Nam cho rằng, siết chặt tín dụng chứ không phải hạn chế toàn bộ tối đa. Tuy nhiên, việc ‘siết’ tín dụng cũng ảnh hưởng, đầu tiên làm hạ nhiệt thị trường bất động sản, ưu tiên vốn vào sản xuất kinh doanh.
“Giả sử, nếu đưa room (hạn mức) tín dụng ngân hàng khoảng 20%, trong đó 8% cho bất động sản và 12% dành cho sản xuất kinh doanh. Thế nhưng, khi thấy thị trường bất động sản tăng trưởng rất nhanh, rất mạnh thì không phải 12% đi vào sản xuất kinh doanh nữa mà gần như 20% đi vào thị trường bất động sản.
Khi tiền ở trong thị trường bất động sản là tiền không vận động, việc tạo ra giá trị cho thị trường thấp xuống, giá tiếp tục tăng lên nhưng hồi phục về sản xuất kinh doanh không có.
Câu chuyện của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ là hạ nhiệt thị trường, điều chỉnh nguồn vốn đi vào thị trường bất động sản và sản xuất kinh doanh. Đối với những người lần đầu đi vay hoặc lần đầu đầu tư bất động sản sẽ có lợi thế, giá được kiểm soát”, ông Tuấn phân tích.
Cũng theo ông Tuấn, năm 2008 - 2010, room tín dụng cho vay bất động sản rất lớn, lên đến 25%, dẫn đến khi thị trường có động thái siết chặt tín dụng thị trường đã có làn sóng bán tháo bất động sản.
Do đó, năm 2022 chúng ta đã có những động thái siết một phần liên quan đến dòng vốn vào thị trường bất động sản. Vì thế, với những người mua, những người tham gia thị trường bất động sản mà không cần vay vốn sẽ có lợi thế. Đồng thời, sẽ làm cho thị trường có mức độ ổn định bền vững hơn thời gian tới.
TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, dù bất động sản vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn nhưng không đồng nghĩa việc mua bất động sản trong giai đoạn này sẽ lời trên diện rộng. Đặc biệt ở những khu vực đất nền tăng giá mạnh trong 2 năm qua nhưng nơi đó chưa thể triển khai kinh doanh khai thác ở mức phổ biến.
Ông Hiển cho biết thêm, đầu tư bất động sản luôn có một giai đoạn phải chững lại để tích lũy giá trị. Thời điểm chững lại thường là thời điểm trước đó giá tăng mạnh và mọi người đổ tiền lớn vào có sự góp sức mạnh của ngân hàng thương mại, sau đó gặp siết tín dụng theo chủ trương Nhà nước. Quan sát thì hiện nay đã hội đủ những yếu tố này.
"Không có sự tăng mạnh giá bất động sản do lạm phát cao. Còn việc tăng cục bộ, cơ hội đầu tư cục bộ vẫn có ở những nơi giá chưa tăng mạnh, và có các yếu tố tăng giá xuất hiện như quy hoạch, làm đường...", ông Hiển nhấn mạnh.