Mục tiêu lợi nhuận trên 15.000 tỷ đồng
Theo các báo đưa tin, tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2022 diễn ra sáng ngày 7/4, Tổng giám đốc ACB ông Từ Tiến Phát cho biết, trong quý 1 năm nay, ngân hàng tăng trưởng tín dụng khoảng 5,2% so với cuối năm 2021, huy động vốn tăng 6,2% và lợi nhuận ước khoảng 4.200 tỷ đồng.
Tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,74%. Mảng dịch vụ và bảo hiểm đều tăng trưởng tốt. Thu nhập ngoài lãi đạt khoảng 1.300 tỷ, bancasurance dẫn đầu thị trường.
Hiện tỷ lệ CASA của ngân hàng khoảng 27%, với lợi thế về ngân hàng số, mục tiêu cuối năm Casa khoảng 28 - 29% là khả thi.
Vừa qua ACB có trích lập dự phòng khoảng 2.300 tỷ đồng do ảnh hưởng của Covid -19, theo ông Từ Tiến Phát nếu tình hình khả quan thì khoản này sẽ hoàn nhập và tạo ra một khoảng thu nhập bất thường cho ACB trong năm nay.
Năm 2022, ACB đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 558.187 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2021. Tiền gửi khách hàng đạt 421.897 tỷ đồng, cũng tăng 11%.
Dư nợ cho vay đạt 398.299 tỷ đồng, tăng 10% và sẽ được điều chỉnh tăng đến mức cao hơn khi có sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước. Lợi nhuận trước thuế đặt mục tiêu tăng đến 25%, kỳ vọng đạt 15.018 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.
Theo đánh giá của HĐQT ACB, hoạt động năm 2022 mặc dù khó khăn hơn, nhưng vẫn có cơ hội từ kinh tế thế giới tiếp tục đà phục hồi và kinh tế trong nước đã xuống đáy sẽ đi lên nhanh hơn.
Nhu cầu tín dụng sẽ tăng cao, nhất là từ quý II/2022, do đó, đòi hỏi một sự chuẩn bị dài hạn hơn về nguồn vốn. Việc quản trị và điều hành để vừa tiết giảm hợp lý chi phí vốn, vừa bảo đảm thanh khoản và nắm bắt cơ hội mở rộng cho vay là một vấn đề mà các ngân hàng sẽ đối diện thường trực trong năm 2022.
Ông Từ Tiến Phát - Tổng Giám Đốc ACB (Ảnh: Fb nhân vật)
Kế hoạch tăng vốn điều lệ lên hơn 33.000 tỷ đồng và huy động 7.000 tỷ đồng trái phiếu trong năm 2022
Về kế hoạch tăng vốn, ACB dự kiến phát hành hơn 675 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021 cho cổ đông, tương đương tỷ lệ 25%.
Nguồn sử dụng để tăng vốn điều lệ từ lợi nhuận có thể sử dụng chia cổ tức sau khi đã trích lập đầy đủ các quỹ và lợi nhuận năm trước còn lại chưa chia theo báo cáo tài chính kiểm toán tại thời điểm 31/12/2021.
Theo đó, ACB dự kiến chia cổ tức với tỷ lệ 25%, trong đó 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt.
Sau khi chia cổ tức, vốn điều lệ của ACB dự kiến tăng từ 27.019 tỷ đồng lên 33.774 tỷ đồng. Thời gian dự kiến hoàn thành trong quý III/2022.
HĐQT ACB cho rằng, việc tăng vốn điều lệ là cần thiết đối với ACB nhằm tăng thêm nguồn vốn trung, dài hạn cho các hoạt động cấp tín dụng, đầu tư trái phiếu Chính phủ của Ngân hàng.
Đồng thời, Ngân hàng còn có thêm nguồn vốn để xây dựng văn phòng làm việc, cải tạo, sửa chữa, di dời trụ sở kênh phân phối; đầu tư vào các dự án thực hiện chiến lược 2019-2024.
Ngoài việc tăng vốn chủ sở hữu, trước đó ngày 30/03/2022, ACB cũng đã thông qua 2 quyết định phát hành trái phiếu riêng lẻ trong năm 2022 với tổng giá trị 7.000 tỷ đồng, mục đích tăng quy mô nguồn vốn hoạt động của ACB, phục vụ nhu cầu cấp tín dụng, đảm bảo tuân thủ các chỉ tiêu an toàn theo quy định của NHNN.
Theo thông báo của ACB, đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không được bảo đảm bằng tài sản và không phải nợ thứ cấp của ngân hàng.