Năm 2019, Vietcombank là ngân hàng đầu tiên của Việt Nam đạt mức lợi nhuận 1 tỷ USD nhưng chỉ sau 4 năm mốc lãi này đã trở nên "lỗi thời". Trong năm 2023 đã có 5 ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trên 1 tỷ USD là Vietcombank, BIDV, MB, Agribank và VietinBank. Với mức tăng trưởng lợi nhuận như hiện tại, dự kiến trong 1 – 2 năm tới sẽ có thêm nhiều ngân hàng đạt được mức lợi nhuận tỷ USD, thậm chí sẽ sớm có nhà băng chạm ngưỡng lãi 2 tỷ USD, tương đương 50.000 tỷ đồng.
Năm 2023, Vietcombank ghi nhận lợi nhuận hợp nhất trước thuế 41.244 tỷ đồng, tăng trưởng 10,4% so với năm 2022. Với kết quả trên, Vietcombank tiếp tục xác lập kỷ lục mới về lợi nhuận trong ngành ngân hàng.
Dù tăng trưởng chậm lại trong năm qua, Vietcombank vẫn bỏ xa các "ông lớn" khác như BIDV (27.650 tỷ đồng), MB (26.306 tỷ đồng), Agribank (25.400 tỷ đồng) và VietinBank (25.100 tỷ đồng). Ngân hàng này đã đứng trên đỉnh toàn ngành suốt 8 năm ròng (từ 2016 đến nay). Không những vậy, khoảng cách giữa Vietcombank và các đối thủ trong ngành ngày càng lớn
Bước sang năm 2024, Vietcombank xây dựng mục tiêu lợi nhuận sơ bộ là hơn 44.000 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2023. Với các chỉ tiêu về tài sản đều dự kiến tăng trưởng mạnh hơn năm 2023 như tổng tài sản đến cuối năm dự kiến tăng hơn 8% (năm 2023 là 1,4%) và tăng trưởng tín dụng trên 12% (năm 2023 là 10,6%), nhiều khả năng Vietcombank sẽ đạt, thậm chí vượt mục tiêu lợi nhuận 44.000 tỷ đồng và có thể chạm ngưỡng lợi nhuận 2 tỷ USD ngay trong năm 2024 (tương ứng tăng trưởng khoảng 21% so với mức thực hiện năm 2023).
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank nhận định, kinh tế thế giới năm nay được dự báo "hạ cánh mềm", bởi các rủi ro giảm tốc vẫn lấn át động lực tăng trưởng. Tăng trưởng kinh tế của các nước lớn cũng dự báo gặp thách thức. Tuy nhiên, bức tranh kinh tế thế giới nửa cuối năm sẽ lạc quan hơn do nhu cầu tiêu dùng, đầu tư, việc làm khởi sắc. Tổng Giám đốc Vietcombank cũng cho biết ngân hàng này được Ngân hàng Nhà nước giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 16%, cao hơn trung bình ngành (15%).
Kết thúc năm 2023, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của BIDV đạt gần 27.650 tỷ đồng, tăng 20,6% so với năm 2022. Bên cạnh việc giảm được chi phí dự phòng, nguồn thu ngoài tín dụng như dịch vụ, kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán đầu tư là động lực giúp lợi nhuận BIDV tăng trưởng cao hơn mức trung bình ngành.
Với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận bình quân 24%/năm, quy mô lợi nhuận của BIDV đã tăng lên gấp gần 3 lần sau 5 năm. Nếu giữ được tốc độ tăng trưởng này, BIDV có thể đạt lợi nhuận 2 tỷ USD vào năm 2026.
Tương tự, quy mô lợi nhuận của VietinBank dự kiến tăng gấp đôi lên khoảng 2 tỷ USD trong vòng 3 năm tới nếu duy trì được tốc độ tăng trưởng bình quân 30%/năm như trong giai đoạn 2019 – 2023.
Với MB, đây được coi là ngân hàng cổ phần duy nhất có thể so găng lợi nhuận với nhóm Big4 ở thời điểm hiện tại. Năm 2023, MB lọt Top 3 lợi nhuận toàn ngành, không chỉ vượt VietinBank, Agribank mà cách khá xa các ngân hàng cổ phần lớn như Techcombank (22.888 tỷ đồng), ACB (20.068 tỷ đồng), VPBank (10.987 tỷ đồng),…. Trong trường hợp duy trì được tốc độ tăng trưởng bình quân 27%/năm như trong 5 năm gần đây, lợi nhuận MB cũng sẽ vượt mốc 50.000 tỷ vào năm 2026.
Trong báo cáo phân tích công bố gần đây, Công ty chứng khoán SSI cho rằng, trong năm 2024 do quá trình củng cố bộ đệm dự phòng tiếp diễn khiến lợi nhuận toàn ngành chưa thể bứt tốc mạnh mẽ ngay. Tuy nhiên, nhóm phân tích vẫn đánh giá cao Vietcombank vì ngân hàng này sẽ hoàn tất xử lý nợ xấu sớm hơn nhiều so với các cổ phiếu cùng ngành. Đối với VietinBank, do ngân hàng đã đẩy mạnh trích lập dự phòng trong 2 năm qua, SSI cho rằng tốc độ tăng trưởng lợi nhuận có thể sẽ có bước ngoặt mới, có thể là vào cuối năm 2024 hoặc 2025. Với Techcombank và MB, tốc độ tăng trưởng sẽ phụ thuộc nhiều vào quá trình tháo gỡ nút thắt của thị trường bất động sản.
SSI dự phóng lợi nhuận hợp nhất trước thuế của Vietcombank năm 2024 có thể đạt khoảng 47.200 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng 14,3%. Trong khi lợi nhuận của BIDV có thể đạt 31.300 tỷ đồng, MB (29.200 tỷ đồng), VietinBank (27.800 tỷ đồng), Techcombank (26.000 tỷ đồng), ACB (22.800 tỷ đồng) và VPBank (16.700 tỷ đồng).