Theo báo cáo cập nhật mới đây của Chứng khoán BIDV (BSC), trong trường hợp Việt Nam được các tổ chức FTSE, MSCI nâng hạng lên thị trường mới nổi, thị trường chứng khoán nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung có thể được hưởng lợi ở một số khía cạnh như tăng cường tính hội nhập toàn cầu; nâng tầm thị trường Việt Nam và vị thế quốc gia; doanh nghiệp trong nước có nhiều cơ hội tiếp cận với các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng; tăng cường tính hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam đối với các nhà đầu tư và đón nhận dòng vốn lớn từ các quỹ đầu tư trên thế giới.
Theo ước tính của BSC Research, trong trường hợp nếu MSCI và FTSE nâng hạng Việt Nam lên thị trường chứng khoán mới nổi sẽ có khoảng 3,5 - 4 tỷ USD mua mới các cổ phiếu Việt Nam.
Bên cạnh các cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc rổ VN30-Index do Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) ban hành, các cổ phiếu khác đáp ứng được tiêu chí thanh khoản, vốn hóa, tỷ lệ sở hữu nước ngoài cũng cần được lưu ý trong trường hợp thị trường Việt Nam được các tổ chức nâng hạng thị trường.
BSC Research thực hiện tổng hợp 20 cổ phiếu có tỷ trọng lớn nhất thuộc các ETF ngoại đang nắm giữ cổ phiếu Việt Nam theo đó có tổng cộng 31 cổ phiếu thuộc 6 ETF ngoại cần chú ý, trong đó có 15/30 cổ phiếu VN30-Index gồm HPG, VHM, VNM, VIC, MSN, SSI, VCB, VRE, VJC, SHB, POW, BID, STB, SAB, BVH.
Đối với những cổ phiếu hết “room-ngoại” các nhà đầu tư nước ngoài có thể sở hữu gián tiếp thông qua việc đầu tư CCQ ETF VN-Diamond hoặc sản phẩm NVDR (Non-Voting Depositary Receipt - chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết) trong tương lai.
Mirae Asset cũng dự báo các mã cổ phiếu trong danh mục hiện tại của FTSE sẽ được hưởng lợi nếu nâng hạng thành công. Trong đó, nhiều mã cổ phiếu bất động sản sẽ được hưởng lợi khi thị trường chứng khoán được nâng hạng bao gồm VIC, VHM, VRE, KBC, DIG, DXG.
Ngoài ra, nhà đầu tư cũng cần lưu tâm đến một số mã ngân hàng (VCB), hóa chất (DGC), hàng không (VJC), xây dựng (VCG), dầu khí (PVD), điện (GEX), thép (HPG), chứng khoán (SSI, VND, VCI), phân bón (DPM).