Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãi suất VND bình quân liên ngân hàng đã giảm mạnh trong phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Cụ thể, lãi suất tại kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính, chiếm khoảng 90% giá trị giao dịch) trong phiên 15/2 đã giảm về còn 1,31%, từ mức 2,38% trước kỳ nghỉ lễ.
Cùng với kỳ hạn qua đêm, lãi suất tại hai kỳ hạn chủ chốt khác cũng đều lao dốc mạnh: kỳ hạn 1 tuần giảm từ 3,86% xuống 1,35%; kỳ hạn 2 tuần giảm từ 3,89% xuống 1,82%.
Trước đó, lãi suất liên ngân hàng đã liên tục leo thang trong những ngày cận Tết với kỳ hạn qua đêm tăng vọt từ 0,12%/năm vào phiên 29/1 lên mức 2,38% vào phiên 6/2 và 7/2, tức tăng lên gấp gần 20 lần chỉ sau 1 tuần. Các kỳ hạn ngắn khác cũng tăng mạnh.
Diễn biến hạ nhiệt của lãi suất liên ngân hàng sau kỳ nghỉ Tết là phù hợp với xu hướng các năm trước và dự báo của giới phân tích. Bởi, nguyên nhân lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh trong những ngày cận Tết chủ yếu do tính mùa vụ khi nhu cầu thanh toán, chi trả gia tăng trong dịp cận Tết Nguyên đán.
Giới phân tích kỳ vọng lãi suất liên ngân hàng sẽ tiếp tục giảm và duy trì ở mức thấp trong những tháng đầu năm 2024 khi thanh khoản hệ thống vẫn dồi dào và nhu cầu tín dụng thường thấp sau kỳ nghỉ Tết.
Theo Chứng khoán MB (MBS), lãi suất liên ngân hàng tăng vọt chỉ trong những ngày cuối tháng 1, đặc biệt tại các kỳ hạn ngắn do ảnh hưởng bởi tính mùa vụ trong năm. MBS cho rằng lãi suất sẽ tăng không quá mạnh và sẽ hạ nhiệt ngay sau kỳ nghỉ lễ kết thúc trong bối cảnh nhu cầu thanh khoản không quá căng thẳng.
Trước đó, Chứng khoán Vietcombank cũng dự báo lãi suất liên ngân hàng có thể tăng theo yếu tố mùa vụ xung quanh thời điểm Tết Nguyên đán; tuy nhiên, mức tăng không nhiều và kết thúc ngay sau kỳ nghỉ.
Thực tế, doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng đã tăng trong những tuần gần đây, liên tục duy trì ở mức trên 300.000 tỷ/phiên, thậm chí đạt gần 400.000 tỷ vào ngày 31/1. Dù vậy, không có thành viên thị trường nào cần tới nguồn hỗ trợ của Nhà điều hành thông qua nghiệp vụ thị trường mở (OMO).
Kênh hỗ trợ OMO không phát sinh giao dịch mới cho thấy thanh khoản hệ thống vẫn hoàn toàn có thể "tự dưỡng" dù trong giai đoạn cao điểm thanh toán cuối năm. Điều này là tương đối khác biệt so với các năm trước - khi NHNN thường phải bơm ròng hàng chục nghìn tỷ đồng qua kênh OMO để hỗ trợ thanh khoản hệ thống trong những ngày gần Tết Nguyên đán.
Ở một phương diện khác, lãi suất qua đêm liên ngân hàng giảm lại làm gia tăng áp lực lên tỷ giá - vốn chịu nhiều sức ép trong bối cảnh đồng bạc xanh hồi phục mạnh trên thị trường quốc tế.
Theo ghi nhận tại Vietcombank, ngân hàng có doanh số giao dịch ngoại tệ lớn nhất hệ thống, giá USD hiện được mua - bán ở mức 24.310 – 24.680 VND/USD, tăng 110 đồng ở cả hai chiều giao dịch so với mức ghi nhận trước kỳ Nghỉ Tết. Trước đó, giá USD tại các ngân hàng đã giảm khá mạnh trong những ngày cận Tết sau khi tăng nóng trong tháng 1.
Tại báo cáo vĩ mô mới công bố, VCBS cho rằng, trong tháng 1, nhu cầu ngoại tệ bắt đầu tăng trở lại nhờ sự cải thiện ở nhóm hoạt động xuất - nhập khẩu và theo đó đẩy tăng đáng kể tỷ giá giao dịch tại hệ thống ngân hàng với mức tăng có thời điểm trên 1%. Kết thúc tháng 1, VND giảm giá khoảng 0,72% so với đồng USD. Trong đó, mức giảm giá được thu hẹp đáng kể vào thời điểm cận tết Nguyên đán chủ yếu do yếu tố thuận lợi từ kiều hối về nhiều ước đạt 16 tỷ USD năm 2023 (+30%).
VCBS nhận định, mặt bằng lãi suất tiếp tục phá sâu vùng đáy khiến áp lực tỷ giá luôn thường trực khi DXY vẫn duy trì ở mức cao. Theo đó, khả năng đồng VND giảm giá vẫn sẽ hiện hữu, và diễn biến tỷ giá sẽ phụ thuộc lớn vào cung ngoại tệ tại từng thời điểm với các yếu tố chi phối thuộc về dòng tiền đầu tư trực tiếp và gián tiếp, kiều hối,…
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho rằng, tỷ giá USD/VND vẫn chịu nhiều áp lực tăng trong những tháng đầu năm 2024 do sự phục hồi của đồng bạc xanh trên thị trường quốc tế và chênh lệch dương của lãi suất USD - VND vẫn neo ở mức cao.