Khoa học

Rủi ro từ AI có đáng lo hơn viễn cảnh ngày tận thế?

Tóm tắt:
  • Công chúng Mỹ và Anh lo ngại hơn về tác hại hiện tại của AI như thiên vị và mất việc làm.
  • Nghiên cứu với hơn 10.000 người cho thấy họ phân biệt rõ rủi ro hiện hữu và thảm họa tương lai.
  • Tiếp xúc với cảnh báo tận thế không làm giảm sự quan tâm đến các vấn đề AI hiện tại.
  • Việc thảo luận rủi ro dài hạn không làm giảm mối quan tâm về thách thức ngắn hạn từ AI.
  • Cần phát triển cuộc đối thoại đa chiều, nhận diện cả rủi ro cụ thể và chiến lược dài hạn của AI.
Rủi ro từ AI có đáng lo hơn viễn cảnh ngày tận thế? - 1

Nhiều người lo sợ rủi ro về AI hơn các kịch bản tận thế (Ảnh: Getty).

Một nghiên cứu quy mô lớn do Đại học Zurich (Thụy Sĩ) thực hiện mới đây đã hé lộ quan điểm đáng chú ý của công chúng về rủi ro do trí tuệ nhân tạo (AI) gây ra.

Theo đó, phần lớn người dân ở Mỹ và Anh lo ngại các tác động tức thời của AI, chẳng hạn như sự thiên vị dữ liệu, thông tin sai lệch hay nguy cơ mất việc làm, hơn là những cảnh báo mang tính viễn tưởng về việc AI đe dọa sự tồn tại của nhân loại.

Rủi ro hữu hình từ AI

Nghiên cứu được thực hiện với hơn 10.000 người tham gia, thông qua 3 thí nghiệm trực tuyến quy mô lớn.

Những người tham gia được chia thành các nhóm khác nhau và được tiếp cận với các nội dung truyền thông mô tả AI là một mối đe dọa hiện sinh nghiêm trọng, hoặc AI gây ra các vấn đề xã hội cụ thể, hoặc AI mang lại lợi ích tiềm năng.

Mục tiêu là để đánh giá xem việc tiếp xúc với các kịch bản tương lai thảm khốc có làm giảm sự cảnh giác của người dân đối với các vấn đề hiện tại hay không.

GS Fabrizio Gilardi, đại diện nhóm nghiên cứu tại Khoa Khoa học Chính trị, cho biết: "Chúng tôi nhận thấy người được khảo sát lo ngại nhiều hơn về các rủi ro hiện tại do AI gây ra, chẳng hạn như thiên vị trong quyết định của thuật toán hoặc tác động đến thị trường lao động, thay vì các thảm họa tiềm ẩn trong tương lai".

Ngay cả khi tiếp xúc với các cảnh báo kịch bản tận thế, người tham gia vẫn thể hiện rõ khả năng phân biệt giữa rủi ro lý thuyết và nguy cơ cụ thể, cho thấy mối quan tâm của công chúng là có trọng tâm và không dễ bị cuốn vào những tuyên bố giật gân.

Điều này cũng bác bỏ lo ngại rằng việc đề cập đến các mối đe dọa dài hạn sẽ làm xao nhãng sự chú ý khỏi những vấn đề cấp bách.

Mối lo song hành cả ngắn hạn và dài hạn

Đồng tác giả Emma Hoes nhận định: "Nghiên cứu cho thấy việc thảo luận về các rủi ro lâu dài không làm giảm mức độ quan tâm đối với các thách thức trước mắt mà AI đang đặt ra".

Thay vào đó, nó khuyến khích một cách tiếp cận toàn diện hơn trong diễn ngôn công khai, không cực đoan hóa thành lựa chọn "một trong hai" giữa viễn cảnh tận thế hoặc thiên vị dữ liệu.

Các nhà khoa học nhấn mạnh rằng cần thiết phải phát triển các cuộc thảo luận khoa học, chính sách và xã hội theo hướng đồng thời nhận diện cả hai loại rủi ro: vừa cụ thể, hiện hữu, vừa mang tính dài hạn, chiến lược.

Đây là cách tiếp cận thực tế và bền vững hơn trong bối cảnh AI đang thâm nhập ngày càng sâu vào mọi khía cạnh đời sống.

Nghiên cứu từ Đại học Zurich cung cấp dữ liệu thực nghiệm đầu tiên cho thấy nhận thức của công chúng không dễ bị thao túng bởi các thông điệp thổi phồng nguy cơ, đồng thời cũng cho thấy công chúng mong muốn được tham gia vào cuộc đối thoại trung thực và có trọng tâm về sự phát triển của AI.

Các tin khác

Ăn cơm thế nào để không tăng đường huyết?

Với người bệnh tiểu đường, mỗi bữa chỉ nên ăn khoảng 100 gram cơm trắng, đồng thời ưu tiên ăn rau và thịt trước để hạn chế tình trạng đường huyết tăng đột ngột.

Thay đổi lớn của App Store tại Mỹ

Apple được đánh giá đã thực hiện thay đổi lớn khi cho phép nhà phát triển đặt liên kết thanh toán bên ngoài trên App Store tại Mỹ.

Nên mua iPhone 16e, Xperia 5 V hay Pixel 9a?

Với các điện thoại nhỏ gọn ở phân khúc tầm trung, iPhone 16e, Xperia 5 V và Pixel 9a được coi là 3 ứng viên sáng giá nhất, trong đó Pixel 9a mới được ra mắt gần đây.