Kinh doanh

Cẩn trọng với việc rao bán, tìm mua drone bị rơi sau sự cố

Tóm tắt:
  • Nhiều người rao bán drone nhặt được sau màn trình diễn tại TP HCM chào mừng ngày giải phóng miền Nam.
  • Hàng ngàn drone bị rơi do sự cố nhiễu sóng, ban tổ chức kêu gọi hỗ trợ thu hồi.
  • Luật sư cảnh báo việc không trả lại drone có thể bị xử phạt hành chính hoặc hình sự.
  • Vi phạm tùy theo giá trị drone nhặt được, có thể bị phạt từ 10 triệu đến 50 triệu đồng hoặc tù giam.
  • Người mua drone nhặt được cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu biết rõ nguồn gốc không hợp pháp.

Tối 30-4, tại TP HCM đã có màn trình diễn 10.500 drone, chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 – 30.4.2025).

Tuy nhiên, do sự cố nhiễu sóng diện rộng, hàng ngàn thiết bị bay đã bị rơi và thất lạc.

Ban tổ chức đã phát thông báo khẩn, kêu gọi người dân hỗ trợ thu hồi số drone bị rơi.

Trên mạng xã hội, nhiều tài khoản cũng chia sẻ thông tin tìm kiếm, hỗ trợ trả lại drone.

Dù vậy, trên mạng xã hội, một số người đã rao bán lại drone hoặc tìm mua bộ điều khiển để sử dụng.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, luật sư Trương Văn Tuấn, Trưởng Văn phòng Luật sư Trạng Sài Gòn, cho biết drone sử dụng trong chương trình thường là tài sản có giá trị lớn, có thể chứa dữ liệu riêng tư. Việc chiếm giữ, mua bán hoặc sử dụng khi nhặt được mà không trả lại có thể bị xử lý hành chính, thậm chí hình sự, tùy mức độ.

Hình phạt cho người nhặt được drone nhưng không trả lại- Ảnh 1.

Nhiều drone bị rơi khi trình diễn trong đêm 30-4

Theo luật sư Trương Văn Tuấn, Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng chống bạo lực gia đình) nêu rõ người nào “sử dụng, mua, bán, thế chấp, cầm cố trái phép hoặc chiếm giữ tài sản của người khác” sẽ bị phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng.

Người vi phạm sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hoặc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép. 

Còn theo Điều 176 Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017), “người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10 triệu đến dưới 200 triệu đồng, hoặc dưới 10 triệu đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm”. Nếu tài sản trị giá từ 200 triệu trở lên hoặc tài sản là bảo vật quốc gia thì người vi phạm sẽ bị hình phạt tù lên đến 5 năm.

"Như vậy, người nào nhặt được drone mà không trả lại cho chủ sở hữu thì tùy theo giá trị số drone nhặt được, người đó có thể bị phạt tiền đến 50 triệu, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc hình phạt tù lên đến 5 năm" - ông Tuấn giải thích.

Bên cạnh đó, nếu biết drone là do người khác nhặt được nhưng không trả cho chủ sở hữu mà vẫn mua thì tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi này, người mua có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo điều 323 Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), “người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền lên đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”. 

Còn người mua lại tài sản, nếu biết do người khác nhặt được nhưng không trả mà vẫn mua, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt tiền lên đến 100 triệu đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù lên đến 15 năm...

Nếu không đủ yếu tố truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thì người mua lại tài sản có thể bị xử phạt vi phạm hành chính.

"Những người có ý định mua lại drone thì nên tìm hiểu nguồn gốc tài sản trước khi thực hiện giao dịch, tránh tình trạng vì ham mua giá rẻ và thiếu hiểu biết pháp luật mà bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự" - luật sư Tuấn khuyến cáo.

Các tin khác

Lý do nhiều công ty chứng khoán làm việc xuyên lễ

Nhiều công ty chứng khoán đang làm việc xuyên lễ, nâng cấp các dịch vụ, dữ liệu để kịp đồng bộ với hệ thống công nghệ thông tin mới (KRX) khi hệ thống này sẽ chính thức được đưa vào vận hành trên thị trường vào ngày 5/5.

Hà Nội: Người dân đổ đến các Trung tâm Thương mại để tránh nắng 33°C trong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Trong ngày nghỉ thứ ba của kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5, thời tiết Hà Nội nắng nóng 33 độ C, nhiều gia đình lựa chọn các khu vui chơi trong trung tâm thương mại để tránh nắng và thư giãn. Không gian mát mẻ, tiện nghi cùng nhiều hoạt động giải trí cho trẻ em khiến các siêu thị, trung tâm thương mại trở thành điểm đến lý tưởng.

Apple tôn vinh Việt Nam theo cách đặc biệt nhân ngày đại lễ 30/4

Việc Apple dành riêng một chiến dịch để vinh danh các nhà phát triển Việt trong dịp 30/4 là một hành động đặc biệt, cho thấy Việt Nam đang dần chuyển mình thành nơi tạo nên những nhà phát triển tài năng có bản sắc, có sức lan tỏa trên bản đồ công nghệ toàn cầu.