Hẹn gặp mặt tại một quán quen ở P.14, Q.11 (TP.HCM) bà Mỹ nói đây là "địa bàn" của bà: "Tôi ưa ngồi đây, tâm sự với những người từng lầm lỡ, từ người nghiện ma túy, bán dâm, cho tới người từng ở tù về. Chưa nói giải pháp nào cao siêu giúp họ tái hòa nhập cộng đồng, mình chỉ cần ngồi xuống bên cạnh, lắng nghe họ mà không phán xét gì, thì đã thành công được một nửa rồi".
Yêu thương không phán xét
Năm 2001, bà Mỹ bắt đầu gắn bó với công tác mặt trận ở địa phương, từng kinh qua nhiều vị trí, từ tổ trưởng tổ dân phố, chi hội trưởng các hội phụ nữ, chữ thập đỏ, khuyến học, giảm nghèo, cho tới Trưởng ban công tác Mặt trận khu phố 3; Tổ trưởng tổ cán sự xã hội.

Bà Mỹ thường len lỏi trong những con hẻm nhỏ trên chiếc cub cũ, bất kể ngày hay đêm
Ảnh: Thúy Liễu
Năm 2008, bà bắt đầu nhận trách nhiệm quản lý, giúp đỡ những người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng ở P.14 và nhiều phường khác thuộc Q.11. Bà tham gia cùng Phòng LĐ-TB-XH Q.11 tổ chức các buổi sinh hoạt định kỳ, tư vấn, hỗ trợ họ tiếp cận những cơ sở có thuốc phù hợp như Khoa tham vấn hỗ trợ cộng đồng (Q.6) hay cơ sở tư vấn và cai nghiện ma túy Bình Triệu; giúp đỡ người nhiễm HIV/AIDS và những người tái nghiện đang điều trị methadone.
Bà Mỹ thường len lỏi trong những con hẻm nhỏ trên chiếc cub cũ, bất kể ngày hay đêm, để tìm gặp những người từng vi phạm pháp luật. Những ngày đầu, bà gặp rất nhiều khó khăn, nhiều tình huống chưa lường trước. Tuy nhiên, nhờ được tập huấn về kỹ năng và tâm lý, bà dần tự tin hơn. Trước mỗi cuộc gặp, bà luôn tìm hiểu kỹ lưỡng về hoàn cảnh, thời gian, loại hình vi phạm của họ, cũng như định hướng tương lai.
Làm công tác này, bà Mỹ từng trải qua không ít tình huống nguy hiểm. Có lần, một thanh niên nghiện ma túy tổng hợp tìm đến nhờ bà giúp đi cai nghiện. Sau khi liên hệ với trung tâm cai nghiện và thông báo chi phí cho gia đình, bà định ra về thì buột miệng nói: "Con nghỉ ngơi đi, sáng mai cô đưa con đi". Không ngờ, chỉ vài tiếng sau, người thanh niên này lên cơn hoang tưởng, cầm dao tìm bà để "xử".
"May mắn là đêm đó nhà tôi có việc ra ngoài hết. Sáng hôm sau, tôi nghe công an phường kể lại anh ta gây rối nên bị đưa về đồn. Lúc đó tôi mới bàng hoàng nhận ra, nếu nói với người bình thường là "đưa đi" thì không sao, nhưng với những người như vậy, chỉ nên nói: "Sáng mai, cô với con gặp nhau". Từ lần đó, tôi tự nhắc mình phải cẩn trọng hơn từng lời ăn tiếng nói", bà Mỹ kể lại. "Giống như một thám tử, mình phải biết người, biết ta, rồi khơi gợi họ tự nguyện chia sẻ. Từ đó mới tìm cách giúp đỡ phù hợp", bà cho biết thêm.
Nhiều người có tâm lý không vững vàng, dễ tái phạm, nên bà thường xuyên quay lại để xem họ sống ra sao. Theo bà, đó là trách nhiệm với "công trình cuộc đời" mà mình đã chọn.
Sau tất cả, chính sự ghi nhận, cảm ơn và nỗ lực hòa nhập cộng đồng của những người từng lầm lỡ là động lực thôi thúc bà Mỹ vững lòng để tiếp tục. "Giữa đêm, tôi nhận được cuộc gọi cầu cứu từ một chàng trai không vay nổi 200.000 đồng để vào bệnh viện. Không chút do dự, tôi phóng xe đến giúp. 4 năm sau, cậu tìm gặp tôi, cảm ơn rối rít và gửi lại đúng số tiền ấy", bà cho hay rồi nghẹn ngào kể tiếp: "Thấy tôi vẫn đi chiếc xe cà tàng, cậu ngỏ ý mời tôi qua nhà ăn cơm trưa và tiện thể thay vài linh kiện cho xe chạy êm hơn. Nhưng tôi từ chối và điều đó làm tôi rất day dứt. Vì sau lần đó, dịch bệnh Covid-19 ập đến và tôi hoàn toàn mất liên lạc với cậu ấy".
Giúp người bằng sự kết nối, đồng cảm
Ngày 24.6.2023, bà trở thành trưởng nhóm Hoa Hướng Thiện (Q.11), chuyên hỗ trợ những người hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng. Nhóm là nơi sinh hoạt, giao lưu, giúp họ nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật và vượt qua mặc cảm, ổn định cuộc sống để phấn đấu trở thành công dân tốt, hòa nhập cuộc sống tốt.

Năm 2024, bà Trần Xuân Mỹ nhận bằng khen của Bộ Công an biểu dương điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc
Ảnh: T.N
Không chỉ là chỗ dựa tinh thần, bà Mỹ còn vận động hỗ trợ viện phí, tạo điều kiện sinh kế, việc làm cho họ. Trong đó, bà đề xuất vay vốn cho 17 người với tổng số tiền 127 triệu đồng để họ làm ăn. Đến nay, tất cả các khoản vay đều đã được tất toán. Nhiều người thắc mắc, liệu có lúc nào thấy kiệt sức, bà chỉ cười: "Nếu gặp khó khăn, tôi sẽ trình báo, nhưng phần lớn là tự tìm cách giải quyết nhẹ nhàng. Tôi đâu có ngán hay ngại hiểm nguy!".
Tiếp cận những người từng lầm lỗi không dễ dàng. Bà hiểu rằng khi họ chủ động tìm đến, nghĩa là thực sự cần một người lắng nghe để vơi đi nỗi buồn. Nếu kỳ thị, họ sẽ thu mình lại, thậm chí tái phạm. Vì vậy, bất cứ lúc nào, bà luôn sẵn sàng có mặt. "Họ đã chịu trách nhiệm trước pháp luật và bản án của lương tâm. Còn tôi tìm đến họ với tâm thế là sự kết nối giữa người với người, không phán xét, không nhắc lại những gì ở quá khứ nữa. Những người từng vi phạm pháp luật cần một bàn tay nâng đỡ đúng lúc để không quay lại vết xe đổ, bớt mặc cảm và chiến thắng chính mình", bà bày tỏ.
Khi được hỏi về dự định tương lai, bà chỉ cười: "Làm đến khi nào sức cùng lực kiệt thì nghỉ". Sau mỗi ngày làm việc, bà lại tìm một góc quán vắng, để hít thở thật sâu và viết tiếp cuốn hồi ký vẫn còn dang dở…
Năm 2024, bà Trần Xuân Mỹ nhận bằng khen của Bộ Công an biểu dương điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giai đoạn 2019 - 2024, tại khu vực phía nam.