Thu Thủy, một người bán hàng online tại Nghệ An, cho biết khi liên hệ ngân hàng để kiểm tra giao dịch, cô mới biết mình bị lừa 6 triệu đồng vì tin tưởng ảnh chụp màn hình mà khách gửi. Cuối tháng 3, một người nhắn tin mua hàng qua trang Facebook và chọn hình thức thanh toán chuyển khoản trước. Sau khi chốt một số đơn, người này gửi ảnh chụp màn hình chuyển khoản thành công và đề nghị chuyển hàng sớm. Giao hàng, Thủy chưa thấy tiền về, nhưng vẫn nghĩ do khác ngân hàng và vào cuối tuần nên giao dịch có thể bị trễ.
"Ngân hàng nói họ cũng không thể hỗ trợ vì thông tin trong ảnh đều là giả", cô cho hay.
Không chỉ giao dịch online, Dương Tâm, một người kinh doanh quần áo tại Hà Nội, cũng gặp tình trạng này ngay tại cửa hàng. Lợi dụng lúc đông khách, một người đưa màn hình đã chuyển khoản thành công cho nhân viên chụp lại rồi mang hàng về.
"Đến khi đối soát thấy thiếu một khoản. Kiểm tra camera, tôi thấy họ đã thao tác trên một app làm giả màn hình chuyển tiền, trước khi đưa cho thu ngân", Tâm kể. Thiệt hại không lớn, nhưng cô cho biết sẽ phải thay đổi quy trình, chấp nhận mất thời gian đợi tiền về tài khoản, thay vì chỉ cần chụp lưu lại như trước.
Tình trạng giả màn hình chuyển tiền không mới, nhưng số nạn nhân phản ánh đang tăng lên trên các hội nhóm mua bán online vài tuần qua. Trước đây, kẻ xấu cần biết sử dụng công cụ chỉnh sửa ảnh mới có thể thực hiện, còn giờ đã xuất hiện hàng loạt website, fanpage, nhóm chuyên cung cấp dịch vụ một cách tinh vi và dễ tiếp cận.
Trên một website quảng cáo "tạo bill chuyển khoản", người dùng chỉ cần đăng ký tài khoản để sử dụng dịch vụ như tạo màn hình chuyển khoản, màn hình số dư, màn hình biến động số dư... Chi phí là từ 20.000 đến 100.000 đồng cho mỗi kết quả. Ví dụ với màn hình chuyển tiền, người dùng có thể chọn giao diện ngân hàng mong muốn, điền thông tin như tên và số tài khoản người gửi, người nhận, số tiền, nội dung chuyển khoản và thời gian giao dịch mong muốn.
Một số bên thậm chí nhận làm chi tiết thông tin như ảnh chụp màn hình iOS hay Android, tùy biến dung lượng pin, số vạch sóng, cho chọn giao diện của bất cứ ngân hàng, ví điện tử nào tại Việt Nam.
Nam Nguyễn, một tài khoản chuyên cung cấp dịch vụ trên, nói trước đây dịch vụ vốn để phục vụ chính những người bán hàng online. "Họ thích 'sống ảo', cần tăng uy tín cho cửa hàng bằng cách khoe có nhiều giao dịch, số dư lớn trong tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, đôi khi công cụ cũng bị lợi dụng bởi những người mua hàng lừa đảo", Nam nói. Anh cho biết số người tìm đến dịch vụ hiện tăng gấp vài lần so với trước. Dù yêu cầu khách hàng "chỉ dùng cho vui, không được lừa đảo", nhưng thừa nhận không thể kiểm soát việc này.
Thời gian qua, một số trường hợp sử dụng ảnh chuyển tiền giả cũng đã bị phát hiện, trong bối cảnh thanh toán không tiền mặt nở rộ ở Việt Nam. Theo website Công an Thanh Hóa, người dân thường có thói quen chỉ nhìn vào ảnh chụp giao diện xác nhận giao dịch qua ứng dụng Internet Banking. Vì thế, không ít trường hợp, kẻ xấu đã làm giả nội dung "chuyển tiền thành công" để lừa người bán. Cơ quan này đã bắt được hai người dùng chiêu này để lừa cửa hàng trong tỉnh đầu năm nay.
Giữa tháng 4, Công an Hải Dương cũng cảnh báo thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng chiêu làm giả hóa đơn chuyển tiền của ngân hàng, sau khi bắt được đường dây thực hiện việc này. Trong đó, một người giả vờ đi mua hàng nhưng không đem theo tiền mặt, một người ở nhà làm giả màn hình chuyển tiền. Nhóm thường chọn các cửa hàng có chủ là người trẻ để đảm bảo họ có tài khoản ngân hàng và chấp nhận thanh toán online. Cơ quan công an khuyến cáo người dân kiểm tra kỹ hóa đơn chuyển khoản, chỉ khi tiền vào tài khoản của mình mới tiếp tục thực hiện giao dịch khác.