Tập đoàn Masan vừa công bố bổ sung tài liệu đại hội cổ đông thường niên năm 2023 dự kiến được tổ chức vào ngày 24/4 sắp tới. Một trong những nội dung quan trọng trong bộ tài liệu này là tờ trình phương án chào bán cổ phần mới và kế hoạch sử dụng vốn. Cụ thể, Masan đã bổ sung thêm phương án chào bán riêng lẻ cổ phần ưu đãi cổ tức.
Số lượng cổ phần chào bán dự kiến tối đa là 10% tổng số cổ phần đang lưu hành tại thời điểm chào bán. Hiện nay, Masan có vốn điều lệ 14.237 tỷ đồng, tương đương 1,42 tỷ cổ phiếu đang lưu hành. Giả sử số cổ phần MSN tại thời điểm chào bán giữ nguyên như hiện nay, Masan sẽ chào bán riêng lẻ tối đa khoảng 142 triệu cổ phiếu MSN.
Giá chào bán không thấp hơn giá trị sổ sách một cổ phần theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm gần nhất của Masan. Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022, một cổ phần MSN có giá trị sổ sách 25.733 đồng. Dự kiến Đại hội cổ đông thường niên sắp tới sẽ ủy quyền cho Hội đồng quản trị quyết định giá chào bán cụ thể.
Giả sử Masan bán hết 142 triệu cổ phiếu với giá ngang với giá trị sổ sách, tập đoàn sẽ thu về khoảng 3.660 tỷ đồng.
Cổ phiếu có thể được chào bán một lần hoặc nhiều lần, thời điểm chào bán dự kiến trong năm 2023 hoặc cho đến trước Đại hội cổ đông thường niên năm 2024, sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
Cổ phần được chào bán cho không quá 99 nhà đầu tư chiến lược và/hoặc nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Nhà đầu tư chiến lược là các tổ chức trong nước và nước ngoài, có năng lực về tài chính hoặc trình độ công nghệ hỗ trợ sự phát triển hoạt động kinh doanh của Masan và các công ty con trong tập đoàn. Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật.
Cổ phiếu chào bán riêng lẻ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng ba năm đối với nhà đầu tư chiến lược và một năm đối với nhà đầu tư chuyên nghiệp kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.
Trong 5 năm đầu tiên kể từ ngày phát hành, cổ phần ưu đãi không được hưởng cổ tức. Kể từ sau năm thứ 6 trở đi, mức cổ tức cố định của mỗi cổ phần ưu đãi tối đa là 10%/năm. Dự kiến Đại hội cổ đông sẽ ủy quyền cho Hội đồng quản trị quyết định tỷ lệ chia cổ tức cố định cụ thể và thời điểm thanh toán.
Ngoài cổ tức cố định, mỗi cổ phần ưu đãi sẽ được nhận cổ tức tương đương với mỗi cổ phần phổ thông (nếu có). Cổ phần ưu đãi không có quyền biểu quyết.
Mỗi cổ phần ưu đãi được phép chuyển đổi thành một cổ phần phổ thông tại bất kỳ thời điểm nào sau ngày phát hành trên cơ sở yêu cầu của cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi và theo quyết định của Hội đồng quản trị. Nói cách khác, tỷ lệ chuyển đổi là 1:1.
Công ty có quyền mua lại một phần hoặc toàn bộ cổ phần ưu đãi tại bất kỳ thời điểm nào sau khi tròn một năm kể từ ngày phát hành. Giá mua lại một cổ phần ưu đãi không thấp hơn giá phát hành và không cao hơn 300.000 đồng/cp.
Giá mua lại sẽ được điều chỉnh cho các khoản chi trả cổ tức bằng cổ phiếu và các khoản phân phối bằng cổ phiếu mà công ty đã trả, cũng như các sự kiện gộp hay chia tách cổ phiếu, chi trả cổ tức bằng tiền và các sự kiện tương tự.
Ngoài ra, Masan giữ nguyên kế hoạch chào bán cổ phần phổ thông theo phương thức phát hành riêng lẻ như đã nêu trong tờ trình ban đầu.
Quy định về số cổ phần dự kiến chào bán tối đa, giá chào bán, quy định hạn chế chuyển nhượng, thời điểm chào bán, số lượng nhà đầu tư của phương án phát hành cổ phần phổ thông tương tự như với cổ phần ưu đãi nêu trên. Cổ phần phổ thông có quyền biểu quyết, không có cổ tức cố định và không có điều khoản mua lại.
Tập đoàn của Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang có thể thực hiện một trong hai hoặc cả hai phương án phát hành cổ phần phổ thông và cổ phần ưu đãi cổ tức, tổng tỷ lệ phát hành không quá 10% tổng số cổ phiếu đang lưu hành.