ChatGPT được phát triển dựa trên nền tảng Mô hình Ngôn ngữ Lớn (LLM) với khả năng tương tác tự nhiên với con người. Không đơn thuần chỉ để tiêu khiển với những câu hội thoại vui vẻ, siêu AI của OpenAI đang được một số công ty công nghệ Việt Nam khai thác để phân tích thống kê, dạy tiếng Anh, lập trình, tạo trợ lý ảo... Tuy nhiên, chatbot này vẫn tồn tại một số rào cản khiến các công ty phải cân nhắc khi triển khai.
Bảo mật dữ liệu
Theo Uri Gal, giáo sư tại Đại học Sydney, một mối đe dọa khi người dùng nhập câu hỏi liên quan tới công việc vào ChatGPT, họ có thể vô tình cung cấp dữ liệu nhạy cảm. Ví dụ, một luật sư yêu cầu AI đánh giá bản thảo thỏa thuận pháp lý, hoặc lập trình viên đề nghị công cụ kiểm tra đoạn mã vừa viết. Hoạt động đó sẽ được đưa vào hệ thống và tiếp tục được dùng để huấn luyện AI, cũng như xuất hiện trong phần trả lời cho câu hỏi của người khác.
Ông Nguyễn Nhật Anh, Giám đốc công nghệ TopCV, nhận định không nhiều doanh nghiệp chấp nhận rủi ro này. "Về mặt bảo mật thông tin, để có thể ứng dụng ChatGPT trong công việc, doanh nghiệp sẽ phải cung cấp thông tin cho nó trước. Sau đó, siêu AI mới phản hồi lại. Có nghĩa, dữ liệu của doanh nghiệp đều có thể được lưu trữ để dạy ChatGPT", ông nói.
Đồng quan điểm, Hoàng Quân, CEO một công ty cung cấp dịch vụ website, cho biết đối với các công ty outsource, bảo mật thông tin là yếu tố tiên quyết. "Cam kết với khách hàng là không lộ code ra ngoài. Trong khi đó, để ChatGPT tìm lỗi sai, người dùng phải tải các đoạn code lên nền tảng. Từ đó, OpenAI sẽ lưu lại để dạy máy học", ông Quân giải thích.
Thiếu tính chính xác
Ông Nguyễn Hoàng Bảo Đại, chuyên gia Google Developer Expert (GDE) lĩnh vực học máy, cho biết dữ liệu của ChatGPT dừng lại ở năm 2021, nên nội dung phản hồi có thể lỗi thời. "Hạn chế của ChatGPT là không đưa ra câu trả lời đủ sâu cho bài toán doanh nghiệp đang cần giải quyết, chỉ dừng ở mức tổng quan, chấp nhận được", ông nói thêm.
ChatGPT đang được một số công ty Việt Nam dùng trong hoạt động phân tích dữ liệu, thống kê. Ông Lê Công Thành, nhà sáng lập SMCC, xác nhận từ khi tích hợp giao diện lập trình ứng dụng API của ChatGPT, công ty chỉ mất từ 30 phút đến một tiếng là có thể tạo một báo cáo chất lượng tốt, phục vụ nhu cầu thông tin của tổ chức, doanh nghiệp. Tuy nhiên ông cũng chỉ ra, nếu không biên tập kỹ hoặc mô tả rõ ràng, AI có thể dẫn dắt nội dung báo cáo ngoài ý muốn, thậm chí tự "thêm thắt" số liệu hoặc nhận định không có ý nghĩa.
Trong khi đó, theo ông Trần Thế Trung, Phó giám đốc khối sản phẩm AI - FPT Smart Cloud, Mô hình Ngôn ngữ Lớn thích hợp nhất với những tác vụ không đòi hỏi tính chính xác cao, có người kiểm duyệt, không nghiêm ngặt về bảo mật thông tin. Các tác vụ này bao gồm giao tiếp giải trí, hỗ trợ tạo nội dung văn bản hoặc kiểm tra mã nguồn lập trình.
"Dù có khả năng giao tiếp ấn tượng, các kết quả đưa ra từ ChatGPT trong nhiều trường hợp là văn bản ngôn ngữ tự nhiên, ít cấu trúc, không thuận tiện để tự động chuyển đổi thành những cấu trúc phức tạp. Bên cạnh đó, Mô hình Ngôn ngữ Lớn có thể đòi hỏi ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ trí tuệ nhân tạo khác đi kèm", ông Trung nói.
Chưa đáp ứng đúng nhu cầu cụ thể
Theo ông Lê Công Thành, giá API của OpenAI còn cao so với mức chi trả của thị trường Việt Nam, trong khi công cụ này chưa hỗ trợ tốt tiếng Việt. Điều này có thể là một hạn chế khi cá nhân, doanh nghiệp muốn dùng ChatGPT cho mục đích làm việc.
Đồng quan điểm, ông Hùng Việt, kỹ sư AI tại công ty Sporttotal (Đức), cho rằng tiếng Việt chưa phải ngôn ngữ phổ biến, nên chất lượng câu trả lời không phải tiếng Anh của ChatGPT và một số chatbot khác vẫn cần thêm thời gian để kiểm chứng. "Ngoài ra, một số lĩnh vực như y tế hay giáo dục, việc sử dụng AI cần có chừng mực. Quyết định chính vẫn thuộc về con người, chatbot chỉ đóng vai trò hỗ trợ, tham khảo", ông nói.
ChatGPT là một công cụ học máy, thiếu khả năng hiểu cảm xúc con người. Do đó, nó sẽ gặp khó khăn trong việc đưa ra phản hồi thích hợp, đặc biệt trong một số tác vụ như tương tác với khách hàng, tạo quảng cáo.
Về mặt tích cực, ông Nguyễn Hoàng Bảo Đại nhận định, doanh nghiệp vẫn có thể sử dụng chatbot như một công cụ tìm kiếm và gợi ý ở mức tổng quan. Trong khi đó, ông Thế Trung đánh giá mô hình ngôn ngữ lớn phù hợp cho nhu cầu đại chúng, còn để hỗ trợ công việc sẽ cần có giải pháp tư vấn riêng với từng doanh nghiệp cụ thể. Ngoài các công cụ như ChatGPT, AI cũng đang được ứng dụng trong nhiều sản phẩm dành cho doanh nghiệp như voicebot, chatbot để tăng trải nghiệm khách hàng, xử lý hình ảnh, rút ngắn chu trình nhập liệu thủ công.