Tài chính

Pha chụp ảnh “tự sướng” đậm tính thể hiện của phi công Mỹ: Chụp với khí cầu Trung Quốc trước ngày nó bị bắn hạ

Trong bức ảnh, viên phi công liếc nhìn khi chiếc máy ảnh tập trung vào chiếc khí cầu màu trắng ở phía dưới. Đó là thiết bị của Trung Quốc, bay vào không phận nước Mỹ. Nó không chỉ làm xấu đi mối quan hệ giữa Washington – Bắc Kinh, vốn đã rất căng thẳng, mà còn khiến một cơn bão chính trị ập vào Chính quyền Tổng thống Joe Biden.

Bức ảnh này được chụp ngày 3/2 từ buồng lái một chiếc máy bay do thám U-2, mẫu phi cơ có khả năng bay ở độ cao hàng chục km so với mực nước biển. Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố hình ảnh này hôm 22/2 và nó nhanh chóng tạo lên một cơn sốt trên mạng xã hội với tên gọi Bức hình tự sướng ở cao độ lớn.

Một ngày sau, một chiếc máy bay khác của Không quân Mỹ tới gần chiếc khí cầu. Tuy nhiên, nhiệm vụ của nó không phải chụp ảnh. Nó bắn thẳng một tên lửa AIM-9X Sidewinder vào quả bóng khổng lồ màu trắng và kết thúc lộ trình của nó.

Chiếc F-22 Raptor, mẫu máy bay tàng hình thế hệ thứ 5 của Mỹ, đã bắn hạ khí cầu ở độ cao 17,6 km, khi nó đang ở khu vực phía trên vùng biển ngoài khơi Nam Carolina.

Quả tên lửa trị giá 400.000 USD này đã kết thúc sứ mệnh của chiếc khí cầu nhưng lại thổi bùng lên một cuộc chỉ trích lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong khi Washington nói rằng đây là một thiết bị do thám, có nhiệm vụ thu thập dữ liệu quan trọng của người Mỹ thì Bắc Kinh lại nhấn mạnh nó chỉ là thiết bị dân sự đi lạc sang nước Mỹ.

Trên quan điểm của mình, Trung Quốc mô tả cách Mỹ bắn hạ khí cầu là việc dùng vũ lực không cần thiết. Bắc Kinh cũng chỉ trích Washington đồng thời nói rằng họ sẽ có biện pháp đáp trả tương ứng. Trong khi đó, Washington cũng bảo vệ hành động của mình.

Những mảnh vỡ từ chiếc khí cầu bị bắn hạ đã được phía Mỹ trục vớt và mang về nghiên cứu. Tuy nhiên, căng thẳng mà nó gây ra với 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ khó lòng được giải quyết trong một sớm, một chiều. Thậm chí, nó còn làm gia tăng những bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc, vốn xoay quanh một loạt các vấn đề từ nguồn gốc Covid-19, thương mại tới công nghệ và cả địa chính trị.

Tham khảo: Bloomberg

Cùng chuyên mục

Đọc thêm