Tài chính

Chuyên gia nước ngoài nhận định về nợ trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản Việt Nam: Đây mới chỉ là khởi đầu

Hãng tin Bloomberg vừa có bài viết nhận định về cuộc khủng hoảng nợ trên thị trường bất động sản Việt Nam đang trở nên trầm trọng hơn. Dấu hiệu để Bloomberg đưa ra nhận định này là nhà phát triển bất động sản lớn thứ hai cả nước gia nhập nhóm những doanh nghiệp không thể trả nợ trái phiếu đúng hạn.

Cách đây ít ngày, CTCP Tập Đoàn Đầu Tư Địa Ốc No Va - Novaland (NVL) đã vừa đưa phương án thoả thuận với đại diện trái chủ liên quan đến phương án thanh toán đối với lô trái phiếu NVLH2123009.

Đây là lô trái phiếu có tổng giá trị 1.000 tỷ đồng được Novaland phát hành ngày 12/8/2021, đáo hạn ngày 12/2/2023 (kỳ hạn 18 tháng). Lô trái phiếu này có lãi suất cố định 10,5%/năm, trả 6 tháng/lần và đại diện người sở hữu trái phiếu là Công ty CP Chứng khoán Dầu Khí (PSI).

Novaland là cái tên mới nhất trong danh sách các công ty bất động sản chậm trả nợ đang ngày càng dài thêm, báo hiệu tình trạng thiếu thanh khoản của ngành này. Với hàng tỷ USD trái phiếu sẽ đáo hạn trong năm nay, những vấn đề của ngành bất động sản đe dọa sẽ gây nên nhiều rủi ro cho cả nền kinh tế.

Trao đổi với Bloomberg, chuyên gia phân tích Xavier Jean của S&P Global Ratings, nhận định: “Chúng tôi tin rằng đây mới chỉ là khởi đầu. Ngành bất động sản Việt Nam sẽ chứng kiến thêm nhiều vụ gia hạn nợ, tái cấu trúc, thậm chí là phá sản trong thời gian tới. Không chỉ lĩnh vực xây dựng, cả các công ty ở những ngành khác cũng đang đứng trước rủi ro”.

Theo số liệu mà Bộ Công thương công bố tuần trước dựa trên ước tính của Hiệp hội bất động sản TPHCM, tổng cộng các doanh nghiệp bất động sản có 130.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong năm nay. Trước Novaland, các tập đoàn lớn gồm Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát và Sunshine cũng đã tìm cách gia hạn nợ trái phiếu.

Báo cáo ngày 21/2 của công ty chứng khoán SSI nhận định điều mà các tập đoàn bất động sản có nhiều nợ trái phiếu quá hạn cần làm nhất hiện nay là thảo luận với các trái chủ để tìm ra phương án giải quyết hợp lý nhất. Các phương án sẽ bao gồm thu mua lại trái phiếu (redemption), tăng thời gian bảo lãnh (further guarantee) hoặc tuyên bố vỡ nợ.

Tham khảo Bloomberg

Cùng chuyên mục

Đọc thêm