Bùi Linh cho biết kết nối Wi-Fi ở nhà chị rất chậm, điện thoại thường tự chuyển sang 4G. Chị đang băn khoăn về việc có nên hủy gói Internet cáp quang, vì nhu cầu sử dụng của gia đình cũng không cao, chủ yếu xem tin tức, lướt mạng xã hội.
Tương tự, Trần Minh, nhân viên văn phòng kiêm bán hàng online tại Hải Phòng, nói một tháng nay, anh thường xuyên gặp phiền toái do tốc độ Internet kém ổn định. "Tôi hay trả lời khách vào buổi tối, cứ đến lúc đó là mạng chậm, một số kêu tôi chỉ đọc tin nhắn mà không phản hồi", anh kể và đang có ý định hủy gói Internet cáp quang, nhưng lại lo ngại phát sinh những vấn đề khác.
Trong khảo sát hồi tháng 6/2017 trên VnExpress, chỉ 6% trong số hơn 2.000 độc giả cho biết đang dùng duy nhất kết nối 4G cho nhu cầu Internet gia đình. Sau 6 năm, trong khảo sát tương tự với hơn 7.000 người tham gia giữa tháng 2, tỷ lệ này tăng lên thành 12%. Kết quả cho thấy người dùng đã quan tâm hơn đến 4G nhưng vẫn ưu tiên cáp quang.
Có nên chuyển sang 4G tại nhà?
Theo Toàn Vũ, quản trị viên một cộng đồng chuyên về gói mạng di động, chủ đề hủy Internet cáp quang và chuyển sang 4G đang thu hút sự chú ý của các thành viên trong bối cảnh bốn tuyến cáp quang biển của Việt Nam gặp sự cố.
Giải pháp dùng 4G tại nhà được đánh giá phù hợp với nhóm người dùng có nhu cầu cơ bản, như đi làm cả ngày, chỉ vào mạng buổi tối để đọc báo, lướt mạng xã hội, xem phim hoặc chơi game đơn giản trên smartphone.
Hiện các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông đều triển khai gói 4G dung lượng cao, trong đó, một số gói "siêu data" có thể được mua theo tháng với giá 70.000-150.000 đồng, hoặc theo năm từ một triệu đến 1,5 triệu đồng. "Người dùng có thể sắm modem hoặc bộ định tuyến, giá từ 300.000 đến hơn triệu đồng tùy chức năng, độ phủ sóng, và cắm sim 4G dung lượng cao để 2-3 thành viên trong gia đình dùng chung", Toàn Vũ nói.
Đồng quan điểm, theo ông Nguyễn Như Thành, chuyên gia điều hành mạng tại một công ty viễn thông ở Hà Nội, người dùng có thể hủy gói cáp quang nếu nhu cầu chỉ dừng ở mức kết nối mạng trên điện thoại và có thể cân nhắc sử dụng bộ phát 4G riêng.
"Tuy nhiên, nếu nhu cầu cao, ví dụ sử dụng truyền hình Internet, các ứng dụng OTT trên smart TV, chơi game, thường xuyên phải họp trực tuyến, không nên hủy gói cáp quang", ông Thành nói. Bên cạnh đó, chất lượng đường truyền 4G còn phụ thuộc vị trí, địa hình... vì là kết nối không dây. Nếu người dùng không tính toán kỹ giá gói cước và nhu cầu thực tế, chi phí tổng thể có thể cao hơn gói cáp quang giá rẻ.
Một chuyên gia viễn thông khác cho biết, khi xảy ra sự cố về cáp quang, truy cập qua 4G ít bị ảnh hưởng hơn do nhà mạng thường ưu tiên dung lượng cho kết nối di động. Tuy nhiên, việc dùng 4G chỉ là hình thức thay thế tạm thời, không nên loại bỏ hoàn toàn cáp quang. "4G chưa thể thay thế cáp quang bởi các nội dung trực tuyến ngày nay có dung lượng cao, ngốn nhiều băng thông, cáp quang mới đáp ứng được với giá cạnh tranh", người này nói.
Việt Nam hiện kết nối với năm tuyến cáp quang biển gồm AAG, APG, AAE-1, IA và SMW-3. Tuy nhiên, hai tuyến AAG và APG gặp sự cố và đang mất toàn bộ dung lượng. Hai tuyến IA và AAE-1 cũng bị lỗi cáp, chỉ hoạt động được một phần. Tuyến duy nhất còn nguyên vẹn là SMW-3, mới gặp trục trặc hôm 21/2 nhưng hiện đã được khôi phục.