Người mua chịu rủi ro
Liên đoàn Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) vừa có bản góp ý gồm 13 vấn đề liên quan đến dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT). Trong đó, tại điều 11 về điều kiện hoàn thuế GTGT, dự thảo quy định người mua chỉ được hoàn thuế GTGT khi người bán đã nộp thuế GTGT. Theo VCCI, phản ánh của doanh nghiệp cho rằng quy định này là không phù hợp bởi hiện nay, người mua trả tiền thuế GTGT cho người bán. Sau khi nhận số tiền này, người bán có trách nhiệm và chủ động nộp số thuế này vào ngân sách nhà nước. Người mua không có công cụ hay quyền hạn gì để can thiệp, quản lý việc nộp thuế của người bán. VCCI đánh giá: "Quy định như hiện tại sẽ khiến người mua chịu toàn bộ rủi ro không được hoàn thuế, trong khi không phải do lỗi của bên bán". Trong khi đó, về vai trò và trách nhiệm các bên, thì chỉ có cơ quan thuế mới có đầy đủ các công cụ cho việc quản lý, gồm hệ thống thuế để tiếp nhận kịp thời thông tin khai, nộp thuế của bên bán; đình chỉ hóa đơn, yêu cầu ngân hàng cưỡng chế thuế, yêu cầu hải quan phối hợp cấm người nợ thuế xuất cảnh để truy thu thuế. Do vậy, VCCI đề nghị bỏ quy định này.
Đồng quan điểm, giảng viên Trần Anh Tùng, Trưởng ngành quản trị kinh doanh - Khoa Quản trị kinh doanh Trường đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM, nêu quan điểm: Quy định này đúng là bảo vệ nguồn thu, bảo vệ cơ quan thực thi thu thuế, nhưng chưa bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng. Ở đây, người mua đã hoàn tất nghĩa vụ đóng thuế GTGT, việc yêu cầu người mua trả khoản thuế này là từ phía người bán. Đây là thuế gián thu, bên bán phải có trách nhiệm kết nối dữ liệu với cơ quan quản lý thuế để thu hộ ngành thuế và hoàn tất nghĩa vụ đóng thuế cho nhà nước. Trong thực tế, nhiều doanh nghiệp bán hàng, thu thuế GTGT rồi, nhưng cuối năm phá sản, bỏ văn phòng, không nộp lại thuế GTGT cho nhà nước. Thất thu thuế là đây. Ông nói: "Đây là nguồn thu cực kỳ dễ từ phía người bán, nhưng để nhà nước thu lại thì có thể không dễ dàng. Trong khi đó, trách nhiệm của ngành thuế là phải thu, nghĩa vụ của doanh nghiệp là phải nộp lại không được đề cập. Thế nên, ngoài việc bỏ quy định này, cần có quy định bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng, đối tượng đã đóng thuế GTGT khi mua hàng".

Theo VCCI, điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào với chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt còn gây khó cho doanh nghiệp
ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú cũng đồng quan điểm quy định nói trên không phù hợp bởi việc để thất thoát thuế GTGT có trách nhiệm của cơ quan quản lý. "Để doanh nghiệp đã thu thuế GTGT nhưng không nộp vào ngân sách, qua mặt cơ quan thuế là chúng ta quản lý không chặt chẽ. Nếu vì quản lý, kết nối dữ liệu không minh bạch mà ngâm tiền thuế GTGT của bên mua hàng là không đúng. Luật pháp được xây dựng để bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả quản lý trong cơ chế minh bạch. Tôi đề nghị nên bỏ quy định này", ông Vũ Vinh Phú nêu quan điểm.
Lưu ý chi phí doanh nghiệp tăng
Ngoài ra, góp ý cho dự thảo nghị định liên quan đến điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào với chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt, VCCI nhận định: "Quy định gây khó khăn cho doanh nghiệp đặc biệt đối với các giao dịch mua bán nhỏ lẻ hoặc tiền thưởng, tiền hỗ trợ trực tiếp cho người lao động". Cụ thể, để được khấu trừ thuế GTGT đầu vào với chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt, dự thảo quy định là "phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào (gồm cả hàng hóa nhập khẩu) từ 5 triệu đồng trở lên đã bao gồm thuế GTGT".
Theo VCCI, cần tính đến trường hợp các doanh nghiệp thường có chế độ ưu đãi, phúc lợi cho người lao động như hỗ trợ chi phí ăn uống, đi lại, chi phí công tác. Chẳng hạn, người lao động sẽ ứng trước tiền mặt để thanh toán hoặc thanh toán trước và chuyển hóa đơn chứng từ về cho doanh nghiệp để thanh toán sau. Hoặc doanh nghiệp thực hiện thưởng những khoản tiền mặt khích lệ cho nhóm người lao động khi đạt hiệu quả công việc tốt và họ sẽ tự phân chia khoản tiền thưởng này. Với quy định các giao dịch có giá trị trên 5 triệu đồng đều có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt là không khả thi. Cơ quan này đề nghị nên giữ nguyên quy định ngưỡng thanh toán không dùng tiền mặt trên 20 triệu đồng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi thực hiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào…
Tuy nhiên, chuyên gia Trần Anh Tùng lại cho rằng trong xu hướng nền kinh tế không tiền mặt, chuyển đổi số hóa trong quản lý thuế ngày càng tăng, việc giảm mức giao dịch có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt xuống 5 triệu đồng là "có lý của nó". Dù vậy ông Tùng thừa nhận quy định này có thể gây thiệt hại cho người lao động khi nhiều khoản chi phí nhỏ phải có hóa đơn mới được thanh toán. Nhưng giả sử nếu người lao động đi thường xuyên, các khoản chi thường xuyên, vẫn nằm trong mức khoán hiện hành là dưới 20 triệu không phải nộp hóa đơn thì ngành thuế lại bị thất thu. "Nên nhớ thất thu thuế nhỏ lẻ của ta rất lớn, khi chúng ta đòi hỏi tính minh bạch và tiến đến số hóa toàn diện, việc thu thuế cần phải bảo đảm tính công bằng, yêu cầu chứng từ thanh toán không tiền mặt từ 5 triệu đồng cũng hợp lý", ông Trần Anh Tùng nói và lưu ý thêm các quy định mới nhằm tăng thu thuế, giảm thất thu cho nhà nước, đổi lại, chi phí tuân thủ từ phía doanh nghiệp nói chung sẽ tăng. Trước mắt, càng minh bạch, chi phí tuân thủ sẽ càng cao và chi phí này doanh nghiệp buộc phải gánh chịu.
Ông Vũ Vinh Phú cũng đồng ý việc mua bán hàng hóa, dịch vụ không dùng tiền mặt với giá trị thấp ngày càng phổ biến. 5 triệu đồng tiền hàng hóa hay dịch vụ cũng trở thành "con số biết nói" khi nó được cộng vào từ hàng trăm, hàng triệu người mua hàng hóa, dịch vụ. Trong thực tế, thất thu các khoản thuế nhỏ tràn lan, và các quy định quản lý thu thuế nhằm siết lại những lĩnh vực, khoản thất thu này. Hóa đơn bán hàng cũng được khởi tạo từ máy tính tiền, nếu kết nối tốt, ngành thuế sẽ nắm được. Chính sách này không phải tận thu mà thu đủ, thu đúng và quan trọng của việc thu thuế là nuôi dưỡng nguồn thu. Thế nên, theo ông Phú, với quy định liên quan đầu vào không tiền mặt, cần có sự cân nhắc hay phân loại thế nào đó. Chẳng hạn, khoản tiền thưởng, hỗ trợ cho người lao động, nếu giải trình hợp lý, có thể loại trừ để khấu trừ thuế GTGT cho người lao động, gián tiếp qua doanh nghiệp.
Trong bản góp ý, VCCI đề xuất bổ sung dịch vụ xuất khẩu vào đối tượng hưởng thuế GTGT 0%. Theo VCCI, dịch vụ này đủ điều kiện đưa vào danh mục áp dụng thuế GTGT 0%, bởi dịch vụ tìm nguồn hàng xuất khẩu về bản chất là một dịch vụ xuyên biên giới, người sử dụng dịch vụ là thương nhân nước ngoài. Việc tiêu dùng và thanh toán chi phí thực hiện cũng ở nước ngoài.