Sáng 16/6, với 475/478 (chiếm 95,38%) đại biểu Quốc hội tán thành thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường vành đai 3 TP HCM.
Vành đai 3 TP HCM dài khoảng , đoạn đi qua TP HCM dài 47,5 km, Đồng Nai hơn 11 km, Bình Dương 10,7 km, Long An gần 7 km. Dự án được đầu tư phân kỳ giai đoạn 1 với quy mô gồm 4 làn xe cao tốc hạn chế; đường song hành mỗi bên từ 2-3 làn xe; phân chia thành 8 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công và giao các địa phương tổ chức thực hiện.
Tổng mức đầu tư dự kiến là 75.378 tỷ đồng. Từ năm 2022 chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.
Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 642,7 ha, trong đó đất trồng lúa khoảng 70,24 ha, đất nông nghiệp khác khoảng 103,52 ha, đất rừng sản xuất khoảng 16,82 ha, đất dân cư khoảng 64,1 ha, đất trồng cây lâu năm khoảng 229,62 ha, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp 11,2 ha và đất khác khoảng 147,2 ha.
Giải phóng mặt bằng toàn tuyến một lần theo quy mô quy hoạch, trừ đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn đã đầu tư.
Dự án được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt như về nguồn vốn đầu tư sẽ điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là 17.146 tỷ đồng.
Nguồn vốn này đã bố trí cho Bộ Giao thông vận tải về các địa phương để thực hiện dự án, trong đó TP HCM là 10.627 tỷ đồng, Đồng Nai là 856 tỷ đồng, Bình Dương là 4.266 tỷ đồng, và Long An là 1.397 tỷ đồng.
Ngoài ra, cho phép tăng tổng mức vốn trung hạn trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn vốn dự kiến tăng thu của các địa phương.