Thời sự

Chính thức thông qua chủ trương đầu tư đường Vành đai 3 TP.HCM

Với 475/478 (95,38%) đại biểu Quốc hội (QH) tham gia biểu quyết tán thành, QH đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM sáng nay, 16-6.

Trước đó, trình bày báo cáo tiếp thu, chỉnh lý và giải trình, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết có ý kiến đề nghị bổ sung làm rõ hơn tính cấp bách của Dự án.

Chính thức thông qua chủ trương đầu tư đường Vành đai 3 TP.HCM - 1

QH chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 TP.HCM. Ảnh: HOÀNG HẢI

Về việc này, Ủy ban Thường vụ QH cho biết theo quy hoạch chi tiết đường Vành đai 3 TP.HCM, Dự án phải đầu tư hoàn thành trước năm 2020, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được đầu tư xây dựng khép kín toàn tuyến.

Trong khi đó, hạ tầng giao thông cửa ngõ TP.HCM đến nay đã quá tải, đặc biệt vào khung giờ cao điểm. Thời gian tới, Cảng hàng không Quốc tế Long Thành hoàn thành đưa vào khai thác năm 2025, Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất được đầu tư nâng cấp để khai thác vào năm 2024, tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành (giai đoạn 1) dự kiến đưa vào khai thác toàn tuyến năm 2023.

Những yếu tố trên kết hợp với gia tăng dân số cơ học của TP.HCM và các tỉnh Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ tiếp tục gây khó khăn cho hệ thống hạ tầng giao thông vốn đang quá tải, nguy cơ về ùn tắc giao thông rất lớn.

“Việc sớm đầu tư Dự án sẽ góp phần làm giảm áp lực đối với khu vực nội đô. Từ đó, hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông, giảm khí thải gây ô nhiễm môi trường TP.HCM và khu vực” - ông Thanh nhấn mạnh.

Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, việc xây dựng tuyến đường Vành đai 3 khép kín cùng với cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ tạo giải pháp hữu hiệu phân luồng giao thông liên tỉnh khi đi qua TP.HCM. Qua đó góp phần thúc đẩy phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ khu vực nhằm phát triển kinh tế - xã hội, kinh tế đô thị, tạo nguồn lực đầu tư phát triển cho tương lai.

Ông Vũ Hồng Thanh cũng thông tin có ý kiến cho rằng đường Vành đai 4 Vùng thủ đô Hà Nội có lưu lượng xe khoảng 43.000- 66.000/xe/ngày đêm, đường Vành đai 3 có lưu lượng xe khoảng 51.700 - 74.300 xe/ngày đêm. Tuy nhiên, đường Vành đai 4 lại được đề xuất phương thức đối tác công tư (PPP), trong khi đường Vành đai 3 TP.HCM lại được đề xuất áp dụng hình thức đầu tư công.

Làm rõ vấn đề này, Ủy ban Thường vụ QH cho biết đường Vành đai 3 TP.HCM đã được Chính phủ nghiên cứu để đầu tư theo phương thức PPP. Tuy nhiên, theo tính toán, thời gian hoàn vốn của Dự án cần khoảng 28 năm dẫn tới việc đầu tư theo phương thức PPP là khó khả thi, không có nhà đầu tư tiềm năng quan tâm tham gia đầu tư.

Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay, việc thu xếp, tiếp cận nguồn tín dụng của các nhà đầu tư còn khó khăn. Thực tế triển khai một số dự án BOT thời gian qua cũng cho thấy tiến độ chưa đạt yêu cầu đề ra và khó xác định được thời gian hoàn thành.

“Dự án có tính chất quan trọng, cấp bách, vì vậy đề xuất của Chính phủ là có cơ sở”- ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

- Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM đầu tư khoảng 76,34 km, chia thành tám dự án thành phần theo hình thức đầu tư công.

- Dự án áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại, bảo đảm yêu cầu an toàn, đồng bộ, chất lượng và hiệu quả. Khuyến khích ứng dụng công nghệ cao trong tổ chức thi công, thích ứng với biến đổi khí hậu. Thực hiện hình thức thu phí tự động không dừng trong khai thác, vận hành.

- Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của Dự án khoảng 642,7 ha. Trong đó đất trồng lúa khoảng 70,24 ha, đất nông nghiệp khác khoảng 103,52 ha, đất dân cư khoảng 64,1 ha... Giải phóng mặt bằng toàn tuyến một lần theo quy mô quy hoạch, trừ đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn đã đầu tư.

- Sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là hơn 75.300 tỉ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 là hơn 61.000 tỉ đồng, nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026-2030 là hơn 14.300 tỉ đồng.

- Chuẩn bị đầu tư, thực hiện Dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm