“Mình đã chọn nghỉ bank vì không muốn bán bảo hiểm. Khách hàng trung niên vay 500 triệu sửa nhà, gia đình không khá giả (đủ chi trả gốc, lãi) nhưng sếp ép phải kí được bảo hiểm tối thiểu 30 triệu đồng mới cho vay. Bản chất bảo hiểm rất tốt nhưng sự kết hợp của bảo hiểm và ngân hàng cùng với sức ép KPI đề ra làm cho hình ảnh nó xấu đi nhiều quá. Chúc anh chị em đồng nghiệp ở lại với nghề chân cứng đá mềm”.
Những chia sẻ này của một banker đang được các diễn đàn về ngân hàng trên mạng xã hội chia sẻ rầm rộ và nhận được hàng nghìn lượt bình luận. Đa số các ý kiến đều bày tỏ sự đồng tình và khâm phục “bản lĩnh” của nhân viên này. Trong số đó, nhiều ý kiến tỏ ra ngán ngẩm khi trở thành nạn nhân của mối tình “ngân hàng – bảo hiểm”.
mua bảo hiểm |
“Đúng là bảo hiểm rất tốt nhưng sự kết hợp của giữa bảo hiểm với ngân hàng để ép khách hàng, ép nhân viên thì nó lại thành nỗi ám ảnh”; “Mối tình ngân hàng – bảo hiểm, không khác gì một ông chồng lấy phải bà vợ xấu nhưng giàu, ghét lắm nhưng không thể bỏ vì nó quá giàu”... là những bình luận của các thành viên khi đọc được chia sẻ của banker.
Nhiều thành viên chia sẻ, khi đến vay tiền tại một ngân hàng thương mại, với khoản vay trị giá vài trăm triệu đồng, ngân hàng yêu cầu phải mua gói bảo hiểm nhân thọ từ 15-20 triệu đồng mới được giải ngân.
Có người thì đành chấp nhận ra về vì không có muốn mua bảo hiểm, nhưng cũng có người chấp nhận nhắm mắt mua bảo hiểm để được giải ngân và sau đó huỷ ngang hợp đồng.
Không phải là hiện tượng phổ biến?
Việc ràng buộc về doanh số giữa công ty bảo hiểm và ngân hàng khiến các nhà băng vẫn giao chỉ tiêu xuống cho nhân viên. Thành ra dưới sức ép chỉ tiêu, bảo hiểm lại tiếp cận với người dùng một cách lệch lạc.
Nói về thực trạng này, Phó tổng thư ký Hiệp hội bảo hiểm Ngô Trung Dũng cho biết: "Doanh nghiệp bảo hiểm và cả Hiệp hội cũng khó xử trong vấn đề này lắm, vì không có chủ trương ép khách hàng mua bảo hiểm".
Tại cuộc họp báo về hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2022 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Trần Đăng Phi, Phó Chánh thanh tra, Cơ quan Thanh tra – Giám sát NHNN cho hay, theo quy định của pháp luật việc tham gia bảo hiểm là tự nguyện.
Nghị định 93 của Chính phủ cũng như các quy định của pháp luật liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính đối với những trường hợp này. Theo đó, nếu ép buộc khách hàng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Về phía NHNN, ông Phi cho hay thời gian qua NHNN có nhiều văn bản chỉ đạo, cũng như yêu cầu các ngân hàng tuyệt đối không để tình trạng có thể có những nhân viên yêu cầu khách hàng phải mua bảo hiểm mới được giải ngân. NHNN cũng thanh tra, giám sát các ngân hàng thương mại, nếu phát hiện các ngân hàng ép buộc khách hàng phải mua bảo hiểm thì sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
“Về phía các tổ chức tín dụng, Hội đồng quản trị và ban điều hành của các tổ chức tín dụng cũng quán triệt nghiêm túc việc này. Đâu đó có những lúc nào đó, những chỗ nào đó xảy ra tình trạng đó thôi, chứ không phải là hiện tượng phổ biến”, Phó Chánh thanh tra NHNN nói, đồng thời bày tỏ mong muốn nhận được thông tin từ các cơ quan báo chí nếu có trường hợp vi phạm.