
Trong suốt hơn một thế kỷ, từ Thomas Edison đến Amazon, nước Mỹ đã liên tục định hình tương lai của thế giới. Dù từng nhiều lần lo ngại bị vượt qua (như việc suýt bị Nhật Bản vượt mặt vào thập niên 1980) — nhưng lần đầu tiên, Mỹ đối mặt với một đối thủ đủ tầm cỡ để thách thức vị thế công nghệ của mình: Trung Quốc.
Quốc gia này không chỉ sở hữu nền sản xuất khổng lồ, thị trường tiêu dùng rộng lớn mà còn có nguồn lực khoa học đủ mạnh để cạnh tranh trực tiếp với Thung lũng Silicon trong cuộc đua trí tuệ nhân tạo (AI) lên toàn cầu.
Một cách bất ngờ, trong năm nay, hàng loạt lãnh đạo công nghệ Mỹ lại lên tiếng thừa nhận: Trung Quốc đang đi trước. Đến năm 2030, thế giới hoàn toàn có thể sử dụng ứng dụng AI Trung Quốc trên thiết bị Trung Quốc, trong khi lái những chiếc ô tô điện tự hành mang thương hiệu Trung Quốc. Nếu Trung Quốc đã chuyển mình từ "bản sao công nghệ Mỹ" thành kẻ dẫn đầu, thì Thung lũng Silicon sẽ đứng ở đâu?
Năm ngoái, giới công nghệ tương lai của Mỹ đã hình thành một liên minh mong manh với ông Donald Trump. Đổi lại, ông hứa sẽ gỡ bỏ các rào cản pháp lý cho họ. Tuy nhiên, ngay trong ngày các lãnh đạo công nghệ Mỹ tham dự lễ nhậm chức của ông, một startup Trung Quốc tên DeepSeek đã ra mắt mô hình AI ngang ngửa đối thủ Mỹ - nhưng rẻ hơn và tiết kiệm năng lượng hơn.
Ngay sau đó, các công ty Trung Quốc trình làng bộ sạc xe điện nhanh nhất thế giới, Huawei bán ra chiếc smartphone có thể sánh ngang với iPhone mới nhất. Trong khi đó, cổ phiếu của Tesla - biểu tượng của tương lai công nghệ Mỹ lao dốc.
Và chính Thung lũng Silicon cũng công nhận điều này. Cựu CEO Google, Eric Schmidt viết: “Trung Quốc đã ngang hàng, thậm chí vượt Mỹ trong nhiều công nghệ”. CEO Nvidia, Jensen Huang đồng tình: “Trung Quốc không hề tụt hậu trong lĩnh vực AI”. Palmer Luckey, nhà sáng lập hãng công nghệ quốc phòng Anduril cho biết Trung Quốc có “năng lực đóng tàu gấp 350 lần Mỹ”.
Đồng sáng lập Uber, Travis Kalanick thì khẳng định: “Muốn thấy tương lai của giao đồ ăn trực tuyến, đừng đến New York - hãy đến Thượng Hải”.
Tuy nhiên, không ít chuyên gia cho rằng các lãnh đạo công nghệ Mỹ có thể đang tán tụng Trung Quốc quá mức. Giáo sư Rana Mitter từ Trường Kennedy – Đại học Harvard nhận định: “Thành phố Trung Quốc không phải là viễn cảnh duy nhất cho tương lai, và nông thôn Trung Quốc chắc chắn không phải. Nhưng cách họ trình diễn khiến người ngoài dễ nghĩ vậy”.
Một người Mỹ ngỡ ngàng khi thấy robot mang bánh bao tới phòng khách sạn ở Trung Quốc có thể dễ dàng rơi vào trạng thái “ảo tưởng tương lai”.
Dẫu vậy, không thể phủ nhận có những thực tế đáng buồn đang diễn ra tại Mỹ. Báo cáo của Mario Draghi cho Liên minh châu Âu kết luận: Công nghệ Mỹ gần như là nguyên nhân chính giúp Mỹ vượt EU về năng suất lao động. Phần còn lại của nước Mỹ - bên ngoài Thung lũng Silicon có năng suất tương đương châu Âu, nhưng lại không có được mức sống như châu Âu.
Khi các tỷ phú công nghệ Mỹ để mắt đến phần còn lại của đất nước, giọng điệu của họ thường khá kiêu ngạo. Peter Thiel từng than phiền năm 2014: “Văn hóa Mỹ ngày nay ngập tràn sự nghi ngờ, thù địch với công nghệ”.
Hay như Elon Musk, người từng ca ngợi tinh thần làm việc của người Trung Quốc vào năm 2022: “Họ không chỉ làm việc muộn. Họ làm cả lúc 3 giờ sáng… Trong khi người Mỹ thì chỉ cố tránh phải đi làm”.
Trước kia, các ông trùm công nghệ Mỹ chỉ xem Trung Quốc là nơi đặt nhà máy. Nay, họ bắt đầu mua cổ phần trong tương lai công nghệ Trung Quốc. Benchmark Capital khiến chính quyền ông Trump thất vọng khi đặt cược lớn vào AI Trung Quốc. Tháng 2 vừa qua, Musk chọn Thượng Hải làm nơi xây dựng nhà máy pin Megapack đầu tiên ngoài nước Mỹ.
Thực tế, những gia tài khổng lồ của Thung lũng Silicon đã được tạo ra cách đây hơn 20 năm. Nhưng trong bối cảnh thương mại và nhập cư bị siết chặt, khu vực này bắt đầu bị xem là “quá nhỏ” khi so với “vùng ảnh hưởng công nghệ của Trung Quốc” – theo lời Nick Denton. Trong dài hạn, Thung lũng Silicon hoàn toàn có thể bị thay thế - viễn cảnh tưởng chừng không thể xảy ra.
Theo: Financial Times