Doanh nghiệp

PVCFC chia cổ tức tiền mặt 20%

Thông tin nêu tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024. Đại hội diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến và bỏ phiếu điện tử.

Mở đầu, ông Trần Ngọc Nguyên, Chủ tịch HĐQT PVCFC điểm qua những dấu mốc nổi bật nhất của công ty trong năm qua. Ông cho biết, ở năm 2022 đơn vị đạt doanh thu kỷ lục 16.000 tỷ đồng, chỉ số ROE (lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu) đạt 48%.

Đến 2023, đơn vị tiếp tục tăng trưởng sản lượng phân bón tiêu thụ. Trong bối cảnh thị trường tiếp tục dư cung lớn; mùa vụ dịch chuyển chậm hơn năm trước; giá phân bón giảm sâu gây tâm lý e ngại ôm hàng tuy nhiên PVCFC vẫn áp dụng chính sách bán hàng linh hoạt cho toàn bộ 15 sản phẩm. Năm qua, sản lượng sản xuất urê quy đổi ở mức kỷ lục 955.570 tấn, đạt 104% cùng kỳ năm 2022; sản lượng sản xuất NPK 151.110 tấn, đạt 131% cùng kỳ năm 2022. PVCFC đạt mốc sản lượng 10 triệu tấn sau 11 năm vận hành thương mại.

Ông Trần Ngọc Nguyên phát biểu mở đầu hội nghị.

Ông Trần Ngọc Nguyên phát biểu mở đầu hội nghị. Ảnh: PVCFC

Cùng với sản xuất, mức tiêu thụ cũng tăng cao. Tổng sản lượng tiêu thụ đạt 1,27 triệu tấn sản phẩm các loại, tăng trưởng 16% so với năm 2022. Trong đó, mức tiêu thụ urê đạt 866.030 tấn, đạt 103% so với cùng kỳ năm 2022. Sản lượng tiêu thụ NPK đạt 138.610 tấn, đánh dấu hai năm xâm nhập thị trường của NPK Cà Mau, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt với các đơn vị sản xuất kinh doanh NPK lâu đời. Xuất khẩu cả năm đạt gần 350.000 tấn, chiếm 28% tổng sản lượng tiêu thụ, đi các thị trường Campuchia, Chile, Hàn Quốc, Sri Lanka, Philippines... Doanh thu từ xuất khẩu 5.000-6.000 tỷ đồng.

Thị phần PVCFC mở rộng trong nội địa lẫn quốc tế. Đơn vị thâm nhập thị trường NPK ở các khu vực Đông Nam bộ (28%) và Tây Nguyên (30%). Tây Nam Bộ vẫn là thị trường lớn nhất, phủ 61% thị phần. Tại Campuchia, Phân bón Dầu khí Cà Mau chiếm 48% thị phần.

Tuy sản xuất và tiêu thụ đều tăng cao nhưng năm qua, mùa vụ đến trễ so với dự báo, giá bán quay đầu giảm mạnh. Điều này khiến tổng doanh thu ở mức 13.048 tỷ đồng, đạt 97% so với kế hoạch, 80% cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận trước thuế là 1.252 tỷ đồng, đạt 122% so với kế hoạch, 27% so với cùng kỳ năm 2022. Lãnh đạo công ty lý giải, lợi nhuận năm 2023 giảm do giá bán giảm quá sâu, không thể bù đắp dù công ty tăng cường công tác bán hàng, tiết giảm trong quản trị điều hành.

Ông Văn Tiến Thanh trình bày kết quả kinh doanh năm 2023.

Ông Văn Tiến Thanh trình bày kết quả kinh doanh năm 2023. Ảnh: PVCFC

Đại hội thông qua phương án chia cổ tức tiền mặt 20% - con số khá cao so với thị trường. Thời gian chia cổ tức trong 30 ngày kể từ khi tổ chức đại hội đồng cổ đông. Con số 30 ngày được ông Trần Ngọc Nguyên gọi là thách thức, thể hiện nỗ lực hướng đến nhà đầu tư.

Đầu năm 2024, PVCFC đạt nhiều điểm sáng khác trong kinh doanh. Đơn vị hiện xuất khẩu tại 20 thị trường, tiến vào những thị trường khắt khe nhất thế giới như Australia. Dù những tháng đầu năm giá phân bón đi xuống nhưng công ty vẫn giữ đà tăng trưởng 30-50% so với cùng kỳ 2023.

Trong kế hoạch kinh doanh năm 2024 được đại hội thông qua, tổng doanh thu ở mức 11.878 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 841,4 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 794,8 tỷ đồng. Về sản xuất, đơn vị đặt mục tiêu sản lượng urê đạt 892.000 tấn, NPK là 180.000 tấn. Với tiêu thụ, sản lượng kỳ vọng gồm: 748.500 tấn urê, 110.000 tấn đạm chức năng, 180.000 tấn NPK, 248.000 tấn phân bón tự doanh.

Làm rõ hơn về chiến lược trong năm nay, ông Văn Tiến Thanh, Tổng giám đốc PVCFC cho biết nền kinh tế thế giới 2024 dự báo còn nhiều thách thức, động lực tăng trưởng toàn cầu đều đã tới hạn. Lạm phát dự báo giảm tuy nhiên xung đột địa chính trị vẫn tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt với ngành năng lượng và lương thực thực phẩm. Giá phân bón vẫn trong vùng trũng và dự báo đi ngang.

Tuy vậy bức tranh nền kinh tế Việt Nam được dự báo khá lạc quan, có sự phục hồi mạnh mẽ hơn so với năm 2023. PVCFC coi đây là năm then chốt để tăng tốc, ba mũi chiến lược chính gồm: đầu tư, phát triển bền vững và chuyển đổi số. Với việc kinh doanh, đơn vị đảm bảo việc vận hành Nhà máy Đạm Cà Mau, duy trì công suất của các sản phẩm (urê, đạm chức năng và NPK).

Để tăng hiệu quả lợi nhuận, công ty nghiên cứu đa dạng hóa nguyên liệu, nhiên liệu lẫn nhóm sản phẩm phân bón dựa trên tiềm lực sẵn có. Một số dòng phân bón được ông Thanh nhắc đến là: sản phẩm hữu cơ sinh học, hữu cơ vi sinh; kích thích sinh trưởng và phân bón lá; phân bón hòa tan.

Ông Trần Ngọc Nguyên trao đổi với cổ đông tại đại hội.

Ông Trần Ngọc Nguyên trao đổi với cổ đông tại đại hội. Ảnh: PVCFC

Tháng 4, đơn vị nhận bàn giao nhà máy Hàn - Việt. Qua đó, PVCFC sở hữu các nhà máy: Đạm Cà Mau chuyên sản xuất urê hạt đục với công suất 800.000 tấn/năm; NPK Cà Mau công suất 300.000 tấn/năm và NPK Hàn Việt với công suất 360.000 tấn/năm. Giai đoạn 2025-2027, năng lực sản xuất các nhà máy kỳ vọng tăng lên 125% công suất thiết kế.

Quan trọng không kém là phát triển hạ tầng kho cảng, logistic phục vụ hoạt động kinh doanh và phân phối sản phẩm. Về các dự án số, đơn vị hoàn thiện xây dựng cơ sở dữ liệu datawarehouse và kết nối các hệ thống ứng dụng trên nền tảng công nghệ thông tin; đảm bảo an toàn dữ liệu lẫn tổng thể hệ thống.

Đại diện cổ đông nêu câu hỏi với ban lãnh đạo.

Đại diện cổ đông nêu câu hỏi với ban lãnh đạo. Ảnh: PVCFC

"Cơ hội rất nhiều, thách thức không ít nhưng chúng tôi luôn kiên định tập trung lĩnh vực cốt lõi, hướng đến sứ mệnh phát triển ngành phân bón", ông Trần Ngọc Nguyên nói.

Sau phần trình bày các báo cáo, lãnh đạo công ty trả lời nhiều câu hỏi từ cổ đông. Chương trình khép lại vào 12h.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm