Ngày 11/6, Ngân hàng UOB công bố báo cáo dự báo định hướng chính sách tiền tệ , ngoại hối của Việt Nam trong thời gian còn lại của năm nay.
Theo đó, Việt Nam khởi đầu năm với kết quả tăng trưởng mạnh mẽ, thể hiện qua mức tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 5,66% trong quý I. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) kể từ đầu năm đã tăng 7,8% so với cùng kỳ lên 8,3 tỷ USD trong tháng 5, nhanh nhất trong giai đoạn 5 tháng kể từ năm 2018.
“Dựa trên dữ liệu được công bố cho đến nay, chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng GDP sẽ tăng lên 6% so với cùng kỳ trong quý II năm nay. Chúng tôi duy trì dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức 6%”, báo cáo của UOB nêu.
Ngân hàng UOB Singapore cũng nhận định, thay vì thay đổi lãi suất, Ngân hàng Nhà nước đang tập trung thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để hỗ trợ các hoạt động kinh tế, các lĩnh vực tăng trưởng mới, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn và nhà ở xã hội.
Ngày 31/5, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng , cải thiện điều kiện tiếp vốn và tiết giảm chi phí để hạ lãi vay, thông qua thủ tục cho vay đơn giản hóa, các biện pháp tiết kiệm chi phí và ứng dụng công nghệ kỹ thuật số... Đây là các giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 5-6% vào cuối quý II và giảm lãi suất cho vay 1-2%.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng đến ngày 10/5 tăng 1,95% kể từ đầu năm, tương đương mức tăng 264.400 tỷ đồng. Con số này rất thấp so với mục tiêu tăng trưởng năm nay là 14-15%, tương đương khoảng 2 triệu tỷ đồng. Vào năm 2023, cho vay ngân hàng đã tăng 13,5% so với cùng kỳ, so với mục tiêu 14-15% của năm.
Với các hoạt động đang được cải thiện, tỷ lệ lạm phát dao động ngay dưới mục tiêu cũng như những lo ngại về đồng nội tệ, khả năng hạ lãi suất đã giảm đi. Việc tăng lãi suất vào thời điểm này có thể có nguy cơ cản trở môi trường tín dụng và thanh khoản.
“Do đó, chúng tôi tin rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ lãi suất tái cấp vốn ở mức 4,5% hiện tại và tập trung nỗ lực hỗ trợ tăng trưởng tín dụng cũng như các biện pháp hỗ trợ khác”, UOB nhận định.
Về tỷ giá , UOB cho rằng, đồng VNĐ vẫn bị ảnh hưởng bởi sức mạnh của USD trên diện rộng trong quý II năm nay và được giao dịch ở mức thấp kỷ lục mới gần 25.500 VNĐ/USD. Ngân hàng Nhà nước cho biết đã can thiệp vào thị trường ngoại hối và điều này giúp kiểm soát việc biến động tỷ giá.
Tuy nhiên, UOB nhắc lại rằng, đồng VNĐ có thể phục hồi trong nửa cuối năm 2024 do áp lực bên ngoài từ đồng USD giảm trước đợt cắt giảm lãi suất dự kiến của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vào tháng 9. Ngoài ra, đồng VNĐ có thể được hưởng lợi từ sự phục hồi tiếp theo của đồng CNY trong nửa cuối năm 24 do nền kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu ổn định rõ ràng hơn.
Ngân hàng UOB dự báo , tỷ giá VNĐ/USD cập nhật trong quý III là 25.200 VNĐ/USD và hạ xuống 25.000 VNĐ/USD trong quý IV năm nay.