Thời sự

TP HCM tính kết nối sân bay Long Thành bằng tàu cao tốc

Nội dung nêu trong dự thảo góp ý phương án chở khách bằng đường thủy đến sân bay, được Sở Giao thông Vận tải thành phố lấy ý kiến các đơn vị liên quan. Việc này nhằm tăng kết nối đến Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, Đồng Nai với TP HCM khi sân bay dự kiến hoàn thành năm 2026.

Tàu cao tốc chở khách từ TP HCM đi Vũng Tàu. (Ảnh: Sở Giao thông Vận tải TP HCM).

Phương án đầu được ngành giao thông thành phố đưa ra là hình thành tuyến vận tải chở khách trực tiếp bằng tàu cao tốc từ bến Bạch Đằng, quận 1, đến bến du thuyền SwanBay ở Nhơn Trạch. Tuyến này dài hơn 22 km, chạy mất 35-45 phút. Đây là phương án có là thời gian di chuyển trên sông ít hơn so với hành trình đến một số bến tàu khác ở phía Đồng Nai. Từ khu vực SwanBay, khách có thể tới sân bay Long Thành theo các trục đường bộ có sẵn, vài năm tới thêm tuyến Vành đai 3, cao tốc, giúp đi lại thuận tiện hơn.

Phương án thứ hai để tăng kết nối đến sân bay Long Thành qua việc đầu tư bến khách ngang sông. TP HCM và Đồng Nai sẽ nâng cấp hai đầu bến Phú Xuân - Phước Khánh trên sông Soài Rạp, để tăng kết nối từ khu vực Nhà Bè sang huyện Nhơn Trạch. Sau khi qua sông, khách có thể theo tuyến Phạm Thái Bường, ĐT.769D (25C) đến sân bay Long Thành với cự ly gần 25 km, thời gian di chuyển 40-45 phút.

Phà Cát Lái, một trong những hướng được đề xuất tăng kết nối đến sân bay Long Thành. (Ảnh: Gia Minh).

Phương án cuối cùng là tăng công suất khai thác ở bến phà Cát Lái, nối TP Thủ Đức qua huyện Nhơn Trạch. Cách này sẽ giúp người dân ở phía đông TP HCM dễ đến sân bay Long Thành trong lúc chờ cầu Cát Lái được xây dựng. Để triển khai theo phương án này, phà Cát Lái sẽ được nâng cấp, tăng phà cùng công suất khai thác để đáp ứng nhu cầu đi lại.

Ngoài phương án tăng kết nối đường thuỷ, Bộ Giao thông Vận tải đang tính toán mở rộng cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại khi sân bay Long Thành đưa vào khai thác hai năm tới.

TP HCM và Đồng Nai bị chia cắt bởi các sông Đồng Nai, Lòng Tàu, Đồng Tranh và Thị Vải. Hiện, kết nối giao thông giữa hai địa phương chủ yếu qua đường bộ, thông qua 3 trục chính là quốc lộ 1, quốc lộ 1K (qua địa phận tỉnh Bình Dương) và cao tốc Long Thành. Tuy nhiên, các tuyến này đang quá tải. Sắp tới, giữa hai địa phương sẽ thêm các cây cầu kết nối, trong đó hai cầu đang xây dựng là Phước Khánh trên cao tốc Bến Lức - Long Thành và Nhơn Trạch trên tuyến Vành đai 3.

Ngoài những công trình trên, ba cây cầu khác cũng dự kiến sẽ triển khai, gồm cầu Cát Lái và hai cầu nối từ TP Thủ Đức sang huyện Long Thành; quận 7 nối sang Nhơn Trạch.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm