Doanh nghiệp

Petrolimex sắp thoái vốn tại PG Bank với giá tối thiểu có thể từ 21.300 đồng/cp

Hội đồng quản trị Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex – Mã: PLX) vừa thông qua nghị quyết chuyển nhượng vốn đầu tư tại Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank – Mã: PGB) theo hình thức đấu giá công khai qua Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE).

Mức giá khởi điểm thực hiện thoái vốn sẽ lấy giá cao nhất một trong hai mức giá. Một là giá xác định của tổ chức có chức năng thẩm định giá theo phương pháp tài sản (21.300 đồng/cổ phần) hoặc giá tham chiếu binh quân 30 phiên giao dịch liên tiếp của cổ phiếu PGB trên UPCoM trước ngày phê duyệt phương án thoái vốn.

Tạm tính theo mức giá 21.300 đồng/cp, quy mô thoái vốn của Petrolimex tại PGB đạt tối thiểu 2.556 tỷ đồng.

Trong phiên 3/2, cổ phiếu PGB đã bất ngờ tăng kịch trần lên 19.500 đồng/cp, tăng gần 48% từ mức đáy giữa tháng 11 năm ngoái.

Theo báo cáo quý IV/2022, Petrolimex đang nắm giữ 40,57% vốn cổ phần của PG Bank, tương ứng giá trị đầu tư là 1.834 tỷ đồng. Nếu thương vụ diễn ra thành công, Petrolimex có thể lãi 722 tỷ đồng.

 Diễn biến giá cổ phiếu PGB thời gian gần đây. (Nguồn: TradingView).

Đây không phải là lần đầu tiên Petrolimex lên kế hoạch thoái vốn khỏi PG Bank. Trong năm 2022, lãnh đạo Tập đoàn từng khẳng định có thể hoàn tất thoái vốn PG Bank trong năm, tuy nhiên phương án vẫn chưa được thực hiện.

Thông tin tại đại hội cổ đông thường niên đầu năm 2022, nhóm đại diện vốn của tập đoàn đã họp với Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) để đưa ra các lộ trình và giải pháp thoái vốn PG Bank sau khi đã có cuộc họp giữa CMSC, tập đoàn và chủ trì là Phó Thủ tướng Lê Minh Khái.

Tập đoàn đang đợi văn bản chỉ đạo của CMSC và làm các thủ tục tiếp theo để báo cáo Ngân hàng nhà nước nhằm thoái vốn theo đúng trình tự. 

 

Liên quan đến kết quả kinh doanh của PG Bank, năm 2022, lợi nhuận trước thuế đạt 506 tỷ, tăng 54% so với năm ngoái và vượt 24% kế hoạch năm (406 tỷ đồng). Thu nhập lãi thuần vẫn là nguồn đóng góp chính với hơn 1.200 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2021.

Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản của PG Bank đạt hơn gần 49.000 tỷ đồng, tăng 20,9% so với cuối năm 2021. Tổng huy động của ngân hàng đạt trên 31.200 tỷ đồng, tăng 11,3%. Dư nợ tín dụng tăng 5,6% so với cuối năm ngoái.

Trong năm, nợ xấu nội bảng của ngân hàng tăng 7,3% lên 745 tỷ đồng đưa tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của ngân hàng tăng từ 2,52% lên 2,56%. Tại thời điểm cuối năm 2022, trái phiếu đặc biệt của VAMC tại PG Bank là hơn 951 tỷ đồng, tăng 34% so với thời điểm 31/12/2021.

Vốn điều lệ PG Bank không thay đổi trong nhiều năm qua, giữ nguyên ở mức 3.000 tỷ đồng. Trong năm 2022, ngân hàng tiếp tục không có kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm 2022. Đây là năm thứ 12 liên tiếp PG Bank không tăng vốn điều lệ và năm thứ 10 liên tiếp không chia cổ tức.

Trước đó, ngân hàng từng thực hiện tăng vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng vào năm 2010 thông qua phát hành cổ phần mới và chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm