Nội dung chính:
- Quý IV/2022, 14 doanh nghiệp thép kinh doanh dưới giá vốn, trong đó những “ông lớn” như Hòa Phát, Thép Pomina, Thép Nam Kim,... lỗ gộp hàng trăm tỷ đồng.
- Năm 2022, Hòa Phát tiếp tục dẫn đầu toàn ngành với lợi nhuận sau thuế hơn 8.400 tỷ đồng dù có nửa năm làm ăn thua lỗ.
- Hiệp hội Thép Việt Nam dự báo khó khăn và thách thức đối với ngành thép có thể kéo dài đến quý II/2023.
Báo cáo tài chính quý IV/2022 của 28 công ty thép niêm yết cho thấy kết quả kinh doanh “thê thảm” đúng như lời cảnh báo của Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long hồi tháng 5/2022. Phần lớn các doanh nghiệp thép, đặc biệt là doanh nghiệp có hoạt động giao thương với nước ngoài, đều chịu tình cảnh chung trước biến động giá nguyên liệu đầu vào và nhu cầu đầu ra suy yếu.
Quý IV/2022, một nửa doanh nghiệp thép niêm yết và đăng ký giao dịch trên 3 sàn HoSE, HNX, UPCoM kinh doanh dưới giá vốn. Câu chuyện khó khăn của ngành thép liên tục được lặp lại trong năm qua, từ việc giá nguyên liệu đầu vào tăng cao đến nhu cầu thép trong và ngoài nước suy yếu, lạm phát, chính sách Zero-Covid của Trung Quốc… Nhưng phải đến cuối năm, mọi khó khăn mới được bộc lộ rõ rệt.
Quý IV/2022, tổng lỗ gộp của 28 doanh nghiệp thép xấp xỉ 940 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2021 lãi gần 11.950 tỷ đồng. Việc lỗ gộp cho thấy các doanh nghiệp buộc phải bán hàng dưới giá vốn nhằm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, ổn định thị trường.
Riêng 14 doanh nghiệp bán hàng dưới giá vốn có tổng số lỗ gộp quý IV/2022 lên tới 1.810 tỷ đồng, trong đó Hòa Phát đóng góp hơn 885 tỷ đồng. Cùng kỳ 2021, 14 doanh nghiệp này vẫn lãi gộp 11.212 tỷ đồng.
14 doanh nghiệp thép lỗ gộp trong quý IV/2022 (Nguồn dữ liệu: FiinPro)
Tháng 10/2022, Thép Pomina đã chủ động dừng hoạt động sản xuất lò cao để chuyển sang tập trung vào thế mạnh là lò điện nhằm cắt giảm chi phí. Sau đó 1 tháng, Hòa Phát cũng thông báo dừng hoạt động 4 lò cao, bao gồm 2 lò cao ở Dung Quất và 2 lò cao ở Hải Dương.
Việc dừng lò cao là quyết định rất hạn hữu với các hãng sản xuất thép do tốn kém nhiều chi phí để hạ liệu dừng lò và khởi động lại trong tương lai. Đồng thời, dừng lò trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng tới tuổi thọ của thiết bị.
Hòa Phát vẫn đứng đầu về lợi nhuận năm 2022
Theo dữ liệu của FiinPro , 15 trên tổng số 28 doanh nghiệp thép có lãi sau thuế năm 2022. Điểm sáng trong bức tranh lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành thép vẫn thuộc về Tập đoàn Hòa Phát dù đây là “quán quân thua lỗ” trong quý IV.
Nhờ kết quả khởi sắc nửa đầu năm với lợi nhuận lũy kế hơn 12.000 tỷ đồng, Hòa Phát khép lại năm kinh doanh tồi tệ bằng khoản lãi sau thuế hơn 8.400 tỷ đồng, giảm 76% so với năm 2021.
Lợi nhuận Hòa Phát không những dẫn đầu toàn ngành mà còn cao gấp 85 lần á quân năm 2022 - Thép Việt Đức với khoản lãi sau thuế 100 tỷ đồng. 13 cái tên còn lại trong nhóm doanh nghiệp thép báo lãi năm qua có mức lợi nhuận dao động từ vài trăm triệu cho đến vài chục tỷ đồng.
Trong đó, Kim khí Thăng Long, Kim khí Miền Trung và Tập đoàn Thành Nam là 3 doanh nghiệp duy nhất tăng trưởng lợi nhuận. Cụ thể, Kim khí Thăng Long ghi nhận lãi sau thuế 29,6 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2021. Khác với Hòa Phát chuyên sản xuất thép xây dựng, Kim khí Thăng Long chủ yếu kinh doanh các mặt hàng kim khí gia dụng tại thị trường nội địa. Vì thế, mức độ ảnh hưởng từ tác động cung - cầu có thể sẽ khác nhau.
Kim khí Miền Trung cũng thiết lập mức lãi hơn 12 tỷ đồng, tăng nhẹ 1% so với năm trước đó. Tập đoàn Thành Nam lội ngược dòng từ lỗ sau thuế gần 16,3 tỷ đồng vào năm 2021 thành lãi hơn 3 tỷ đồng trong năm 2022.
Ở chiều ngược lại, Thép Pomina đang đứng đầu về thua lỗ trong năm 2022. Cụ thể, khoản lỗ sau thuế năm 2022 của doanh nghiệp này lên đến gần 1.170 tỷ đồng - mức lỗ cao kỷ lục, trong khi năm 2021 Pomina vẫn lãi hơn 182 tỷ đồng.
13 doanh nghiệp thép lỗ sau thuế năm 2022. (Nguồn dữ liệu: FiinPro)
Xếp sau Thép Pomina, Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSTEEl), Đầu tư Thương mại SMC và Đại Thiên Lộc cũng ghi nhận khoản lỗ lần lượt là 822 tỷ đồng, 650 tỷ đồng và 126 tỷ đồng.
Dự báo khó khăn kéo dài đến quý II/2023
Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản xuất và bán thép thành phẩm trong năm 2022 đều giảm so với năm 2021. Tính đến cuối năm, cả nước sản xuất được 29,3 triệu tấn thép thành phẩm nhưng doanh số bán ra chỉ đạt 27,3 triệu tấn. Trong đó xuất khẩu đạt 6,28 triệu tấn, giảm hơn 19% so với năm trước.
2022 là một năm khó khăn đối với ngành thép khi nhu cầu thép trong nước và thế giới giảm, giá nguyên liệu sản xuất diễn biến phức tạp trong khi giá thép có xu hướng đi xuống. VSA nhận định ngành thép trong nước đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức có khả năng kéo dài đến quý II/2023.
Theo Báo cáo Cập nhật Ngành Thép mới nhất của Chứng khoán SSI, giá thép và nguyên liệu thô ổn định hơn có thể giúp ổn định lợi nhuận của các công ty thép trong năm 2023.
“Tuy nhiên, nhu cầu yếu có thể dẫn đến hiệu suất sử dụng thấp, chỉ ở mức 60-75%, điều này sẽ gây áp lực lên doanh thu, dòng tiền và tỷ suất lợi nhuận của công ty trong năm tới. Ngoài ra, khoảng cách giá giữa Việt Nam và các thị trường khác ngày càng thu hẹp sẽ khiến tỷ suất lợi nhuận xuất khẩu kém hấp dẫn hơn so với giai đoạn 2020-2021” - SSI nhận định.