Doanh nghiệp

Kết lại năm 2022 nuôi heo của các "đại gia": ThaiHoldings nhảy vào đúng lúc thị trường xuống, Hoà Phát năm thứ 3 tăng trưởng âm, Dabaco và BaF bất ngờ báo lỗ

Chăn nuôi heo là ngành gây nhiều chú ý trong năm 2022. Đầu năm, nhu cầu hồi phục, giá heo liên tục tăng mạnh do lo ngại hụt nguồn cung sau dịch tả châu Phi và ảnh hưởng tiếp theo của đại dịch Covid-19. Điều này thôi thúc nhiều “tay chơi” trong ngành.

Đơn cử Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, HAG) của bầu Đức tuyên bố heo là 1 trong 2 mảng trọng điểm sau khi thí điểm thành công việc nuôi heo khép kín bằng công thức cám độc quyền (khoảng 35% nguyên liệu đầu vào là trái chuối thải từ xuất khẩu). Công ty sau đó nhanh chóng ra mắt thịt thương hiệu Heo ăn chuối Bapi và chuỗi cửa hàng bán thịt Bapi Food, mục tiêu sớm nhân rộng để trở thành thế lực trên thị trường thịt thương hiệu Việt Nam.

ThaiHoldings (TDH) cũng cho thấy việc gia nhập ngành với quy mô đầu tư 600 tỷ thông qua hình thức liên kết.

Hay Nông nghiệp BaF (BAF) của đại gia Trương Sỹ Bá, 2022 là năm Công ty chính thức gia nhập sàn chứng khoán, thể hiện quyết tâm của lãnh đạo với mảng heo. Trong chia sẻ mới đây, ông Bá nhấn mạnh heo là một ngành cực kỳ thử thách, và BaF đã có lúc quyết định từ bỏ vào năm 2019. Dù vậy, đại dịch tả châu Phi diễn ra cùng với những xu hướng tiêu dùng mới dần mở ra cơ hội ngách cho Công ty. Cụ thể là mô hình khép kín 3F và câu chuyện thịt thương hiệu, thịt sạch.

Những quyết liệt được đưa ra trong cao điểm ngành, đến nửa cuối năm sự đảo chiều của giá đã “giáng đòn” lên kế hoạch của doanh nghiệp.

Trong đó, BaF sau quý 3 tăng trưởng mạnh - theo Công ty nhờ có được công thức cám riêng dẫn đến tăng hiệu suất - sang quý 4/2022 bất ngờ báo lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh cốt lõi. Nhờ phát sinh khoản lợi nhuận khác với 18 tỷ đồng, BAF “thoát lỗ” với hơn 6,7 tỷ LNST trong quý 4 nhưng đã giảm đến 91% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giải trình, BaF cho biết trong quý 4/2022, ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn liên quan đến dịch bệnh và ảnh hưởng đứt gãy nguồn chuỗi cung ứng nguồn nguyên liệu đầu vào từ diễn biến vĩ mô khó lường. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả hoạt động kinh doanh của Công ty, tác động lên cả hai chiều. Giá thành nguyên vật liệu leo thang trong khi giá heo hơi đầu ra liên tục sụt giảm trong thời gian dài.

Tương tự, Dabaco (DBC) cũng lần đầu báo lỗ trong quý cuối năm với 79 tỷ đồng. Thực tế, tình hình kinh doanh cốt lõi của Công ty đã sa sút mạnh từ quý 3/2022 mặc dù chỉ số vẫn tăng trưởng nhờ hoạt động trong mảng bất động sản.

Sự sụt giảm đã kéo lợi nhuận sau thuế cả năm của DBC chỉ còn 150 tỷ đồng - giảm gần 82% so với cùng kỳ 2021. So với chỉ tiêu đề ra, Công ty chỉ mới thực hiện được 54% kế hoạch doanh thu và khoảng 16% kế hoạch lợi nhuận ĐHĐCĐ bàn giao.

Theo DBC, tình hình kinh tế trong nước và thế giới tiếp tục chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng địa chính trị tại một số nước trên thế giới, ngành thức ăn chăn nuôi nói chung cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ do chi phí đầu vào, giá nguyên, nhiên, vật liệu và chi phí vận chuyển, logistic tăng cao.

Ngành chăn nuôi vẫn còn khó khăn, do dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến việc chăn nuôi và nuôi tái đàn, doanh thu và lợi nhuận của các đơn vị chăn nuôi cũng giảm so với cùng kỳ năm trước.

2022 đánh dấu năm thứ 3 lợi nhuận DBC sụt giảm mạnh, sau khi đạt đỉnh cao hồi năm 2020. Cần nhấn mạnh, lợi nhuận DBC không chỉ mảng chăn nuôi, mà còn bao gồm lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất giống, dầu thực vật…. Đặc biệt, 2020 lợi nhuận tăng mạnh nhờ dự án mới của Công ty là nhà máy dầu thực vật, chế biến trứng ăn liền Devi.

Kết lại năm 2022 nuôi heo của các đại gia: ThaiHoldings nhảy vào đúng lúc thị trường xuống, Hoà Phát năm thứ 3 tăng trưởng âm, Dabaco và BaF bất ngờ báo lỗ - Ảnh 1.
Kết lại năm 2022 nuôi heo của các đại gia: ThaiHoldings nhảy vào đúng lúc thị trường xuống, Hoà Phát năm thứ 3 tăng trưởng âm, Dabaco và BaF bất ngờ báo lỗ - Ảnh 2.

Hoà Phát (HPG) cũng ghi nhận năm thứ 3 tăng trưởng âm, cả về doanh thu và lợi nhuận. Là “ông lớn” trong ngành thép, HPG những năm gần đây đẩy mạnh sang các lĩnh vực khác, trong đó có mảng chăn nuôi heo bắt đầu đầu tư từ năm 2015.

Dù là mảng phụ, song doanh thu – lợi nhuận từ việc chăn nuôi heo của HPG liên tục tăng mạnh và đạt đỉnh vào năm 2020. Lúc bấy giờ, chăn nuôi heo trở thành một trong những nguồn thu lớn của Tập đoàn với hơn 10.000 tỷ doanh thu và gần 2.000 tỷ lợi nhuận.

Dù vậy, kết thúc năm 2022, doanh thu mảng chăn nuôi của HPG giảm mạnh chỉ còn 6.758 tỷ, lợi nhuận đóng góp vỏn vẹn 62 tỷ đồng.

Một trường hợp khác là Masan MEATLife (MML) , xét riêng năm 2022 doanh thu giảm mạnh so Công ty thực hiện tách mảng không còn mảng thức ăn chăn nuôi và chỉ tập trung vào mảng thịt thương hiệu kể từ đầu năm.

Được biết, năm 2018 Masan đã đẩy mạnh đầu tư chuỗi cung ứng - trang trại, nhà máy chế biến, chuỗi bán lẻ - và ra mắt thương hiệu thịt mát MEATLife. Theo Masan, thị trường thịt lợn có giá trị hơn 10 tỷ USD là mảng lớn nhất trong ngành F&B. Bên cạnh việc kinh doanh thịt tươi, Masan cũng thấy có nhiều cơ hội để tham gia vào lĩnh vực thịt chế biến khi các sản phẩm thịt có giá trị gia tăng và thịt chế biến đóng góp dưới 1% vào thị trường thịt tại Việt Nam….

Những áp lực đầu tư ban đầu cùng sự biến động thị trường khiến MML lỗ trong năm 2022. Sang năm 2023, MML dự kiến đạt doanh thu thuần trong khoảng từ 8.500 tỷ đến 9.000 tỷ đồng, tăng 78% đến 88%.

Động lực tăng trưởng đến từ việc mở rộng danh mục sản phẩm thịt heo và thịt gà, đặc biệt là thịt chế biến, và việc tăng cường năng lực phân phối qua kênh WCM (việc thu hẹp khoảng cách về giá với chợ truyền thống nhờ chương trình hội viên WIN sẽ khuyến khích khách hàng dùng thử và chuyển từ kênh thương mại truyền thống sang kênh thương mại hiện đại).

Cùng chuyên mục

Đọc thêm