Công ty Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH), Tổng công ty Vận tải Dầu khí (PVTrans - PVT) và Công ty Vận tải Xăng dầu Vipco (VIP) đồng loạt báo lãi cao kỷ lục. Hải An năm ngoái có hơn 1.050 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng hơn 90% so với năm 2021. Vận tải dầu là chủ yếu, PVTrans vẫn lãi hơn 1.160 tỷ đồng, tăng 39%. Riêng lợi nhuận sau thuế Vipco tăng đến gần 25 lần, lên 246 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp khác cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực. "Ông lớn" cảng và tàu biển Gemadept (GMD) ghi nhận hơn 1.150 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng hơn 60%. Đây là mức lãi cao thứ hai kể từ khi doanh nghiệp này công bố thông tin vào năm 2000, chỉ xếp sau năm 2018 (năm này GMD nhận lãi lớn từ chuyển nhượng vốn trong công ty con).
Có quy mô nhỏ hơn, Công ty Vận tải Biển Việt Nam (Vosco - VOS) cũng báo lãi gần 490 tỷ đồng trong năm ngoái. Con số này giảm nhẹ 0,4% so với năm 2021, nhưng vẫn là mức lợi nhuận lớn thứ hai kể từ khi niêm yết. Tương tự, "anh cả" ngành hàng hải Vinalines (MVN) hụt gần 23% lợi nhuận trong năm ngoái. Nhưng mức lãi hơn 2.500 tỷ đồng cũng lớn thứ hai từ khi công bố thông tin vào năm 2015.
Theo dữ liệu từ Freightos - một trong những nền tảng đặt chỗ vận chuyển hàng hóa lớn nhất thế giới, chi phí gửi một container từ châu Á đến Mỹ vào giai đoạn cuối năm đã giảm hơn 80% so với mức cao nhất trong mùa dịch. Riêng tháng 12/2022, cước vận chuyển sang bờ Đông về dưới 3.000 USD một container 40 feet, trong khi giá bờ Tây về dưới 1.500 USD. Trong khi đó, hồi quý III/2021, cước vận tải biển từ châu Á đến Mỹ cùng lập kỷ lục trên 20.000 USD một container 40 feet.
Dẫu vậy, nhờ khai thác tốt đội tàu, bao gồm mua mới, kiểm soát chi phí nhiên liệu, sửa chữa, vận hành..., các doanh nghiệp vẫn ghi nhận mức tăng trưởng trong hoạt động kinh doanh dịch vụ vận tải biển. Gemadept có lãi gộp khai thác cảng và logistics tăng hơn 500 tỷ đồng, trong khi Vosco thông báo ký thêm hợp đồng mới với mức giá tốt.
Nhu cầu tăng khi hoạt động kinh tế được nối liền sau dịch cũng là nguyên nhân. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, trong năm 2022, vận chuyển hàng hóa đường biển đạt hơn 399,5 triệu tấn, tăng khoảng 27% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, giá cước có thể không còn là yếu tố mà ngành hàng hải tiếp tục hưởng lợi trong năm nay. "Bữa tiệc đã tàn", Rolf Habben Jansen - CEO của Hapag Lloyd - hãng vận tải có năng lực lớn thứ 5 thế giới, nêu quan điểm về triển vọng ngành này với Reuters. Theo ông, giá cước vận tải biển sẽ giảm nhưng không xuống dưới mức chi phí vốn. Do đó, các hãng tàu sẽ quay trở lại giai đoạn hoạt động bình thường, không tăng trưởng nóng. Giá cước trong năm nay sẽ phụ thuộc nhiều vào giá thuê tàu, chi phí nhiên liệu và nhu cầu điều chỉnh đội tàu để chạy bằng nhiên liệu carbon thấp...
Trong báo cáo gần đây, VNDirect cho rằng ngành cảng và vận tải biển toàn cầu sẽ gặp nhiều khó khăn do suy thoái kinh tế gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động thương mại cũng như sản lượng vận tải. Tác động của việc giảm giá cước vận tải biển có thể ảnh hưởng rõ rệt đến kết quả kinh doanh của các hãng vận tải biển Việt Nam trong giai đoạn 2023-2024.
Tuy nhiên, vẫn có một vài yếu tố hỗ trợ tích cực như tình trạng thiếu container đã được giải quyết nhờ nguồn cung container bổ sung trong năm 2022, Trung Quốc đang mở cửa trở lại sẽ thúc đẩy hoạt động thương mại và tiêu dùng toàn cầu. Ngoài ra, đơn vị này dự báo giá dầu Brent trung bình duy trì ở mức 90 USD một thùng, giúp giảm chi phí nhiên liệu cho các doanh nghiệp.