Trong quý cuối năm 2022 vừa qua, Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (Mã: VJC) công bố doanh thu thuần hợp nhất 11.807 tỷ đồng, tăng hơn 200 tỷ so với quý III và cao gấp 4,2 lần so với cùng kỳ năm trước.
Các mảng hoạt động đều ghi nhận tăng trưởng mạnh so với quý IV/2021. Cụ thể, doanh thu bay nội địa đạt 1.292 tỷ đồng, cao gấp 7,7 lần; bay quốc tế mang về 1.265 tỷ, gấp 37,2 lần.
Hoạt động phụ trợ hàng không có doanh thu gấp gần 20 lần, đạt hơn 3.000 tỷ đồng. Mảng này bao gồm các loại phí ký gửi hành lý, bán đồ ăn và quà lưu niệm trên chuyến bay, quảng cáo trên máy bay, ...
Mảng cho thuê chuyến bay chiếm tỷ trọng lớn nhất với doanh thu 4.881 tỷ đồng, gấp ba lần cùng kỳ 2021.
Ngoài ra, Vietjet quý này còn có doanh thu 655 tỷ đồng từ hoạt động thu xếp, chuyển quyền sở hữu và thương mại tàu bay và động cơ, trong khi cùng kỳ năm trước khoản này bằng 0. Biểu đồ bên dưới cho thấy việc cho thuê khô tàu bay cũng đem lại cho Vietjet 535 tỷ đồng, tương đương 4,5% doanh thu thuần.
Doanh thu của Vietjet trong quý IV/2022 cao gấp nhiều lần cùng kỳ 2020, 2021 và bằng khoảng 85% quý IV/2019 khi đại dịch chưa bùng phát. Kết quả này đạt được là nhờ thị trường vận tải hàng không phục hồi mạnh mẽ sau khi các biện pháp phòng chống COVID-19 được gỡ bỏ.
Trong năm 2022, Vietjet đã vận chuyển 20,5 triệu lượt khách trên 116.000 chuyến bay, lần lượt cao gấp 3,8 lần và 2,8 lần so với năm 2021. Sản lượng vận tải hành khách nội địa thậm chí còn tăng trưởng 20% so với năm 2019 và là nhân tố chủ chốt dẫn dắt sự phục hồi.
Vận tải hành khách quốc tế chưa quay lại mức trước dịch nhưng Vietjet đã nhận thấy những tín hiệu tích cực và kỳ vọng sẽ hồi phục hoàn toàn trong năm 2023.
Vietjet đã mở hơn 20 đường bay mới trong năm 2022, bao gồm các chặng kết nối Việt Nam với Ấn Độ, Kazakhstan và Australia. Tính đến ngày 31/12, Vietjet khai thác tổng cộng 103 đường bay.
Đầu tư thêm tàu bay
Trong năm vừa qua, Vietjet đã đầu tư mua mới một tàu bay A321 NEO từ Airbus, hai tàu bay A321 từ các đối tác cho thuê tàu bay (lessor) và ba động cơ. Theo thống kê của airfleets.net, Vietjet hiện nay đang vận hành 75 tàu bay, bao gồm 18 chiếc Airbus A320-200, 52 chiếc A321 Neo và A321-200, cùng 4 chiếc thân rộng A330.
Giá trị tổng tài sản tại ngày 31/12/2022 là 67.147 tỷ đồng, tăng 30% so với một năm trước. Riêng tài sản dài hạn là xấp xỉ 36.100 tỷ đồng, tăng 46%. Trong đó, tài sản cố định (bao gồm tàu bay, động cơ, ...) là 5.827 tỷ đồng, gấp 5 lần ngày đầu năm.
Bên phía nguồn vốn, nợ phải trả ngày cuối năm 2022 là hơn 52.900 tỷ đồng, tăng 52% so với đầu năm và tương đương 78,8% tổng tài sản. Vốn chủ sở hữu là 14.241 tỷ đồng, giảm sút do khoản lỗ phát sinh trong năm.
Nguyên nhân thua lỗ
Năm 2022, hãng bay của Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Phương Thảo lỗ gộp 2.167 tỷ đồng và lỗ sau thuế 2.171 tỷ. Theo Vietjet, một trong những nguyên nhân ảnh hưởng tiêu cực tới kết quả kinh doanh của ngành hàng không trong năm qua là giá nhiên liệu bay lên cao, bình quân ở mức 130 USD/thùng.
Mặt khác, Vietjet tăng chi phí kỹ thuật trong năm 2022 sau giai đoạn tàu bay phải nằm đất trong đại dịch. Giá các phụ tùng, thiết bị và động cơ bay năm vừa qua tăng đáng kể do tình trạng bị đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu sau COVID-19.
2022 là năm thứ ba liên tiếp Vietjet lỗ gộp và năm đầu tiên báo lỗ sau thuế. Doanh thu hoạt động tài chính 2.482 tỷ và lợi nhuận khác 2.064 tỷ đã không đủ đề bù đắp khoản lỗ gộp và các chi phí phát sinh trong năm.
Trong năm 2023, Vietjet tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng cao về doanh thu nhờ vào sự mở cửa của thị trường Trung Quốc và đẩy mạnh khai thác các thị trường quốc tế tiềm năng gồm Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, ….
Vietjet cho rằng việc Chính phủ xem xét bỏ cơ chế giá trần vé máy bay và cho phép phụ thu xăng dầu là biện pháp rất cấp thiết nhằm giúp tăng cường nội lực và cạnh tranh cho các hãng hàng không nội địa trong bối cảnh sự hiện diện của các hãng hàng không quốc tế với các điểm đến ở Việt Nam được kỳ vọng tăng mạnh trong năm 2023.