Theo báo tài chính vừa công bố của Công ty Cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam (BAF), trong quý IV/2022, doanh thu bán hàng đạt hơn 2.100 tỷ đồng (tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm ngoái). Tuy nhiên, do chi phí tăng đột biến và nhờ phát sinh khoản lợi nhuận khác cao nên BAF thoát lỗ. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt hơn 6,5 tỷ đồng (giảm 91,4% so với năm ngoái).
Luỹ kế cả năm 2022, doanh thu của BAF đạt hơn 7.047 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ bán nông sản đạt 5.730 tỷ đồng, chăn nuôi đạt hơn 1.300 tỷ đồng... Đáng chú ý, chi phí bán hàng cả năm của BAF tăng gấp 4,6 lần so với năm ngoái lên 72,5 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 1,5 lần với hơn 83 tỷ đồng. Điều này khiến lợi nhuận sau thuế cả năm 2022 của BAF đạt hơn 292 tỷ đồng (giảm 9,2% so với năm 2021).
Theo BAF, trong quý IV/2022, dù sản lượng ở mảng kinh doanh chăn nuôi của doanh nghiệp tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước do các trang trại đầu tư mới đã đi vào vận hành. Thế nhưng, giá bán lợn hơi trung bình trong quý IV giảm so với năm trước (duy trì ở mức khoảng 50.000 đồng/kg) và chi phí nguyên vật liệu tăng mạnh dẫn tới kéo tụt kết quả lợi nhuận. Đây cũng là năm đầu tiên, doanh nghiệp ra mắt thương hiệu lợn ăn chay BAF, được nuôi từ công thức cám riêng.
Tập đoàn Dabaco Việt Nam (Dabaco) - doanh nghiệp chăn nuôi nội địa đứng đầu thị trường - lần đầu tiên trong 5 năm cũng thông báo lỗ ròng hơn 79 tỷ đồng trong quý IV/2022, trong khi cùng kỳ năm 2021, doanh nghiệp lãi gần 112 tỷ đồng.
Giá lợn hơi giảm sâu khiến hoạt động kinh doanh của Dabaco năm 2022 giảm tới 82%.
Luỹ kế năm 2022, tổng doanh thu của Dabaco đạt 12.678 tỷ đồng, tăng 13% so với năm trước. Tuy nhiên, kết quả hoạt động kinh doanh của Dabaco không đủ để bù đắp cho chi phí hoạt động và chi phí tài chính của đại gia này, dẫn tới lợi nhuận sau thuế chỉ đạt khoảng 150 tỷ đồng, giảm 82% so với năm 2021.
Nhìn lại năm 2022, Dabaco lên mục tiêu tổng doanh thu 22.558 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 918 tỷ đồng. Với kết quả trên, doanh nghiệp mới đạt 54% chỉ tiêu doanh thu và 16% kế hoạch lợi nhuận năm.
Tình hình hoạt động của Công ty Cổ phần Masan MeatLife (MML) cũng không nằm ngoài xu hướng chung của ngành chăn nuôi. Trong quý IV/2022, doanh thu bán hàng của MML đạt hơn 1.580 tỷ đồng, giảm gần 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong kỳ, MML lỗ thuần sau thuế hơn 170 tỷ đồng (giảm hơn 119%) trong khi cùng kỳ năm trước lãi 882 tỷ đồng.
Luỹ kế trong năm 2022, MML đạt doanh thu hơn 4.280 tỷ đồng (giảm 75,6% so với năm ngoái); doanh nghiệp lỗ sau thuế hơn 233 tỷ đồng, trong khi năm ngoái lãi hơn 1.250 tỷ đồng. Đây là cũng năm đầu tiên trong vòng 6 năm trở lại đây, MML thua lỗ.
Theo MML, do tái cấu trúc hoạt động các mảng kinh doanh (sản xuất thức ăn chăn nuôi, trang trại chăn nuôi và sản xuất chế biến thịt) nên từ cuối quý IV/2021, doanh nghiệp không còn doanh thu từ mảng sản xuất thức ăn chăn nuôi, đồng thời doanh thu từ hoạt động tài chính của DN giảm mạnh.
Năm 2022, Công ty Cổ phần Masan MeatLife lỗ sau thuế hơn 233 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong khi tình hình kinh doanh suy giảm, tính hết năm 2022, MML đang nợ hơn 7.700 tỷ đồng (tăng hơn 26% so với đầu năm), trong đó có gần 3.100 tỷ đồng là nợ ngắn hạn, và 4.600 tỷ đồng nợ dài hạn. Tổng nợ/vốn chủ sở hữu của MML cũng tăng mạnh từ mức 1,06 lần lên 1,37 lần. Riêng chi phí lãi vay, hiện trung bình mỗi ngày MML phải khoảng 1,1 tỷ đồng.
Mới đây, Masan cũng công bố kế hoạch phát hành trái phiếu ra công chúng để huy động 4.000 tỷ đồng. Các trái phiếu này không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không bảo đảm. Dự kiến sẽ có hai đợt phát hành vào quý I và quý II/2023. Thời hạn tối đa của trái phiếu là 60 tháng kể từ ngày phát hành, mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, lãi suất khoảng hơn 10%/năm.
Doanh nghiệp cũng cho biết, số tiền huy động được sẽ dùng cơ cấu lại các khoản nợ, bao gồm thanh toán một phần hoặc toàn bộ khoản gốc đến hạn của hai lô trái phiếu đã phát hành vào năm 2020.