Theo báo cáo chiến lược năm 2023 của Trung tâm phân tích CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research), sau những biến cố trong năm 2022, thị trường chứng khoán Việt Nam bước sang năm mới với các yếu tố tích cực và tiêu cực đan xen.
Một điểm tích cực mà nhóm phân tích nhận thấy là thị trường đã phản ánh khá nhiều rủi ro, bao gồm cả rủi ro định giá lại trong chu kỳ lãi suất tăng, cũng như triển vọng tăng trưởng kém khả quan hơn cho năm 2023. P/E thị trường dự phóng cho năm 2023 là 9,2 lần (tính tại ngày 30/12/2022), thấp hơn 35% so với mức P/E trung bình của thị trường là 14,16 lần trong giai đoạn 2009- 2022.
Một điểm cộng quan trọng khác cho năm 2023 là đồng VND có thể sẽ ổn định hơn trong năm nay. Ngược lại, rủi ro về thanh khoản vẫn tồn tại xuyên suốt trong năm, do áp lực lớn đến từ lượng trái phiếu doanh nghiệp (trái phiếu doanh nghiệp) đến hạn.
Lãi suất có thể sẽ đạt đỉnh nhưng sẽ quay đầu với tốc độ khá chậm. Do đó thị trường bất động sản vẫn sẽ đối mặt với khó khăn kéo dài.
Mặt khác, kỳ vọng được đẩy lên cao khi Chính phủ đang có những động thái thực tế hơn nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường vốn, cụ thể là chuyển biến tích cực từ quá trình sửa đổi Nghị định 65, nhưng đây cũng không phải là câu chuyện một sớm một chiều có thể giải quyết được.
Với kịch bản cơ sở, VN-Index được kỳ vọng tăng 15% vào cuối năm 2023, cao hơn so với ước tính tăng trưởng lợi nhuận là 13,8% cho năm nay (vùng điểm mục tiêu của VN-Index là 1.160 vào cuối năm). Mặc dù vậy, sẽ có những giai đoạn trong năm chỉ số có thể ghi nhận vùng điểm cao hơn so với ngưỡng mục tiêu kể trên.
"Với những động thái chủ động và quyết liệt của Chính phủ để đối phó với các thách thức vĩ mô, chúng tôi kỳ vọng thị trường chứng khoán trong năm 2023 sẽ khả quan hơn nếu so sánh với năm 2022, nhưng còn quá sớm để trở nên quá lạc quan về khả năng bứt phá mạnh của thị trường", các nhà phân tích của SSI Research nhấn mạnh.
Các giả định chính của nhóm phân tích liên quan đến thị trường bao gồm: (i) Về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, rủi ro vỡ nợ vẫn tồn tại - đặc biệt đối với các tổ chức phát hành có quy mô nhỏ, (ii) Các tổ chức phát hành lớn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể vẫn đứng vững trước rủi ro vỡ nợ nhưng vẫn cần được theo dõi chặt chẽ. (iii) Quá trình thanh lọc thị trường/ xử lý các sai phạm vẫn tiếp diễn nhưng sẽ không ảnh hưởng quá mạnh mẽ đến thị trường như trong năm 2022.