Kỹ năng sống

Hủy đám cưới lấy tiền xây nhà cho mèo hoang

Trong ngôi nhà hai tầng trên đường Huỳnh Tấn Phát, phường Tân Phú, quận 7, Ngô Đình Vân Khanh, 25 tuổi, đang cho những "con cưng" ăn tối. Tay bế chú mèo trắng tên Nụ, Khanh giới thiệu: "Nụ là chị đại của hơn 100 chú mèo ở đây. Cuối tháng 2 tụi nhỏ sẽ về nhà mới ở Đà Lạt".

Ngô Đình Vân Khanh (áo xanh) và Đỗ Dương Trúc Lâm (áo trắng) hiện đang nuôi hơn 100 con mèo hoang tại quận 7, chiều 1/2. Ảnh: Minh Tâm.

Ngô Đình Vân Khanh (áo xanh) và Đỗ Dương Trúc Lâm (áo trắng) đang nuôi hơn 100 con mèo hoang tại quận 7, chiều 1/2. Ảnh: Minh Tâm.

Năm 2019, một lần về nhà khuya, Khanh cùng bạn trai Đỗ Dương Trúc Lâm phát hiện bốn chú mèo bị bỏ rơi gần khu vực lăng ông Bà Chiểu. Nhìn lũ mèo đang lả đi vì đói, cả hai quyết định mang về nuôi.

"Ban đầu tôi chỉ nghĩ tội nghiệp chúng vì cũng đơn độc giống mình nên mang về chứ không nghĩ sẽ gắn bó với bọn mèo", Khanh nói.

Thời gian đầu, Khanh và bạn trai thường xuyên cãi vã vì những con mèo do suốt ngày phải dọn phân, lo ăn và chữa bệnh. Một đêm, Khanh ngồi khóc, chú mèo tên Rô Phi sà vào lòng, liếm dòng nước mắt đang chảy của cô.

"Khi đó tôi mới giật mình thức tỉnh nhận ra tụi nó cũng yêu thương mình và bắt đầu dành thời gian quan tâm, chăm sóc chúng", cô kể. Cặp đôi quyết định cưu mang, nuôi dưỡng thêm nhiều thành viên lang thang quanh khu chung cư. Số mèo ngày càng đông, Khanh bị hàng xóm nhắc nhở gây mùi hôi. Ban quản lý tòa nhà ra lệnh cấm, buộc cả hai phải tìm nơi ở mới.

Năm 2020, vì dịch Covid-19, công ty của Khanh và Lâm trả lại địa điểm kinh doanh, họ quyết định thuê lại để có chỗ ở cho hơn 100 con mèo và đặt tên "Vườn mèo lang thang".

Đây là căn nhà hai tầng, có sân thượng, được Khanh và Lâm chia thành từng khu. Tầng trệt và hành lang là nơi ở cho mèo khỏe, tầng trên là khu cách ly cho mèo đang ốm, phòng ngủ. Tầng ba là phòng làm việc đồng thời cũng là nơi dành cho mèo mẹ đang mang bầu hoặc cho con bú.

Tận dụng kệ sách, Khanh mua thêm những chiếc giỏ trang trí từng góc nhỏ thành nơi nằm cho mèo. Mỗi chú được Khanh đặt làm một bảng tên riêng, đeo ở cổ.

"Tôi muốn khi chúng mất đi vẫn có người người nhớ trước đây em là con mèo như thế nào", cô giải thích. Đến giờ những bé mèo đã mất Khanh vẫn giữ lại vòng cổ làm kỷ niệm,

Những chiếc vòng cổ được Vân Khanh đặt tên cho các bé mèo khi đem về nuôi, sau khi chúng mất, cô giữ lại để kỷ niệm. Ảnh: Minh Tâm.

Những chiếc vòng cổ được Vân Khanh đặt tên cho các bé mèo khi đem về nuôi, sau khi chúng mất, cô giữ lại để kỷ niệm. Ảnh: Minh Tâm.

Hai năm dịch, số mèo bị bỏ rơi nhiều, Khanh và Lâm bắt đầu tham gia giải cứu, tìm chủ mới cho chúng. "Khi môt bé mèo được cứu, tụi mình có thêm một đứa con. Đó là niềm vui chúng tôi có khi làm việc này", Lâm, 28 tuổi, ngồi cạnh bạn gái chia sẻ thêm.

Hơn ba năm, họ đã giải cứu khoảng 600 bé mèo, hiện chăm sóc hơn 100 con khác. Cặp đôi nói, không có một nguyên tắc chuẩn nào về cứu hộ, luôn trong tinh thần ở đâu có mèo cần giải cứu đều sẵn sàng lao đến, đến bất kể ngày đêm.

Khanh kể, mỗi con mèo được cứu đều có câu chuyện riêng. Cô nhớ tất cả tên mình đặt và tính cách của từng bé, kể cả khi không nhìn bảng tên. Ví dụ, có bé mèo con bị mắc kẹt trong ống nước trên tầng thượng ở quận Gò Vấp, Khanh đã phải chi hơn 10 triệu tiền thuê camera soi để cứu hộ. Đau lòng nhất là vụ một bé bị mắc kẹt trong ống nước nhưng chủ nhà không cho giải cứu, lấy xi măng bịt luôn đường ống. "Thà không biết thì thôi, nhưng biết mà không cứu được chúng tôi rất đau lòng", cô chia sẻ.

Để có nhiều thời gian chăm sóc lũ mèo, họ bỏ công việc toàn thời gian chuyển sang làm tự do với nghề quảng cáo. Một ngày của cặp đôi bắt đầu từ 10h sáng, cho mèo ăn và uống thuốc đến 1-2h chiều, đưa mèo bệnh đi thú y và trở về cho mèo ăn tối. Hôm nào Khanh cũng đi ngủ lúc 2-3h sáng.

"Từ khi chăm mèo, tôi nói không với việc đi cà phê, du lịch cùng bạn bè", cô nói.

Khanh cho biết tổng chi phí để chăm sóc, cứu hộ hàng trăm con mèo rất lớn. "Đa phần những ca tôi nhận đều bị thương nặng và không ai muốn nhận, tiền chữa bệnh cho chúng cũng rất tốn kém", cô nói. Vì thế, mỗi ca cứu hộ, họ đều phải tính toán liệu có đủ khả năng lo cho chúng không. "Nếu nhận vô tội vạ mình lại làm hại các bé chứ không phải giúp đỡ chúng", Khanh cho hay.

Để có kinh phí, Khanh thường kêu gọi bạn bè trên mạng xã hội hỗ trợ cùng với tiền túi của hai người. Ca nào trong tình trạng nặng và tốn nhiều tiền đi thú y, Khanh sẽ kêu gọi riêng để tránh trường hợp thâm hụt quỹ của mấy bé tại nhà.

Cô kể, thời gian đầu, vườn mèo luôn trong tình trạng khủng hoảng tài chính và mang nợ. Cuối năm 2020, đỉnh điểm Khanh nợ thú y 35 triệu đồng, phải mượn người quen để thanh toán. "Nuôi bọn mèo, mỗi ngày trung bình tốn 2-3 triệu đồng. Lúc nào tôi cũng trong tâm thế thiếu tiền và mượn nợ, cứ cố gắng đi làm và trả dần dần", cô chia sẻ.

Vân Khanh hôn cô mèo trắng Cẩm Nụ, chị đại của đàn mèo ở đây. Cuối tháng 2/2022, chúng sẽ được ba mẹ đưa lên nhà mới ở Đà Lạt. Ảnh: Minh Tâm.

Vân Khanh và chú mèo trắng Cẩm Nụ, "chị đại" của đàn mèo, trong ngôi nhà ở quận 7, hôm 1/2. Ảnh: Minh Tâm.

Đến giữa năm 2021, đôi bạn trẻ xin phép gia đình hủy bỏ việc tổ chức lễ cưới, mang số tiền đó đi thuê mảnh đất rộng 1.500 m2 tạo nơi ở thoải mái hơn cho các bé mèo. Chi phí đầu tư cho ngôi nhà mới mất khoảng 500 triệu đồng.

Khanh kể, việc chăm sóc, cứu hộ những con mèo đã ngốn hầu hết thời gian trong ngày của cả hai song họ xem đó là niềm hạnh phúc. Cả hai bắt đầu chia sẻ về hành trình giải cứu, chăm sóc các trường hợp mèo lang thang đặc biệt lên mạng xã hội và nhận được sự ủng hộ lớn từ mọi người.

Thiên Lý, 32 tuổi, sống ở quận 7, biết đến các bé mèo của Khanh từ hai năm nay qua mạng xã hội. Lý cho hay, từ khi đến tham quan trực tiếp cô mới cảm nhận rõ về tình yêu mèo của hai bạn trẻ.

"Có khi đang ăn tối, nghe có ca mèo gặp nạn cả hai lại nhờ tôi trông hộ mèo và chạy đi. Đặc biệt, Khanh nhớ hết tên các bé mèo ở đây, không phải ai cũng làm được", Lý nói.

Chủ nhân vườn mèo cho biết, bản thân từng trải qua nhiều biến cố, nỗi buồn trong cuộc sống, nhất là việc mồ côi cha mẹ nên hiện tại và tương lai, Khanh chỉ dành trọn tình yêu cho mèo.

"Ngôi nhà hiện tại vẫn chưa đủ thoải mái cho các bé. Tôi muốn dành cho chúng một nơi thật sự hạnh phúc nhất. Khu vườn xây trên Đà Lạt sắp tới sẽ là món quà tôi tặng cho các con", cô gái quê Đồng Nai nói.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm