Sức khỏe

Nổi mụn nước, ngứa dữ dội về đêm… khả năng do ghẻ cái

Bệnh ghẻ là bệnh lý ngoài da khá phổ biến - Ảnh minh họa

Bệnh ghẻ là bệnh lý ngoài da khá phổ biến - Ảnh minh họa

Sau chuyến du lịch bụi tại khu vực miền núi phía Bắc trong một tuần, anh N.V.D. (35 tuổi, ngụ TP.HCM) bắt đầu xuất hiện những nốt mụn nước nhỏ, ngứa nhiều ở cổ tay, bàn tay, bụng rồi lan dần đến đùi, bắp chân.

Tình trạng ngứa càng tăng lên nên anh D. đi khám tại phòng khám da liễu thì được chẩn đoán mắc viêm da cơ địa. Sau 2 tuần uống và bôi thuốc nhưng tình trạng không đỡ, triệu chứng ngứa về đêm ngày càng tăng.

"Các nốt sần gây ngứa dữ dội, đặc biệt là ban đêm khiến tôi buộc phải gãi mạnh để dễ chịu hơn, đến nỗi trầy xước da", anh D. cho biết. 

Tình trạng kéo dài khiến anh D. thường xuyên mất ngủ vào ban đêm, ban ngày mệt mỏi, nên quyết định đến bệnh viện thăm khám thì được chẩn đoán mắc bệnh ghẻ.

Con đường lây truyền

Bác sĩ Nguyễn Thùy Linh - phó trưởng khoa laser và săn sóc da, Bệnh viện Da liễu trung ương - cho biết nguyên nhân chính gây bệnh do ghẻ cái. Đây là một loại ký sinh trùng phát triển và sinh sản duy nhất trên da người, ghẻ có thể sống khoảng 30 ngày trên da người và 2 ngày trên quần áo, giường chiếu,...

Người bị mắc ghẻ là do tiếp xúc với da bị bệnh hoặc lây gián tiếp qua vật dụng như quần áo, chăn drap gối đệm giường chiếu. Các tổn thương cơ bản của bệnh ghẻ như:

- Mụn nước rải rác: vị trí đặc biệt ở kẽ tay, mặt trước cổ tay, phía trước nách, núm vú, quanh thắt lưng, kẽ mông, mặt trong đùi, lòng bàn chân ở trẻ nhỏ. Mụn nước to, chứa dịch trong, nằm trên nền da lành.

- Luống ghẻ: là đường hầm do con ghẻ đục vào trong da để đẻ trứng dài 3-15mm, màu xám hoặc đen, chứa phân ghẻ, cuối luống phình to, lấy kim khêu bắt được cái ghẻ.

Bệnh nhân ngứa gãi nhiều nên xuất hiện vết xước, vẩy máu, vẩy mủ, mụn mủ rát thâm là những tổn thương thứ phát. Có thể có các sẩn huyết thanh, sẩn phù do cơ thể phản ứng với độc tố của cái ghẻ.

Ngứa dữ dội vào ban đêm

Theo ThS Trần Thị Thùy Trang (khoa da liễu, Bệnh viện Nhi trung ương), bệnh do ghẻ cái gây nên là chủ yếu, ghẻ đực thường chết sau khi giao hợp, ghẻ cái ký sinh ở lớp sừng của thượng bì, đào hang về ban đêm, đẻ trứng về ban ngày, trứng nở thành ấu trùng và lột xác trở thành ghẻ trưởng thành. 

Ban đêm ghẻ cái bò ra khỏi hang tìm ghẻ đực, đây là lúc ngứa nhất (dấu hiệu ngứa vào ban đêm), dễ lây truyền nhất, vì ngứa gãi làm vương vãi cái ghẻ ra quần áo, giường chiếu…

Bất kỳ đối tượng nào, dù nam hay nữ, già hay trẻ đều có thể mắc bệnh ghẻ. Tuy nhiên đối tượng dễ bị nhất là những người thường xuyên tiếp xúc, sinh hoạt chung như: ngủ chung, dùng chung màn, khăn, chiếu, gối với người bị ghẻ. 

Bệnh có xu hướng lưu hành nhiều nơi đông đúc dân cư, điều kiện vệ sinh kém, bệnh vào mùa đông nhiều hơn mùa hè.

Theo bác sĩ Trang, thông thường bác sĩ chuyên khoa da liễu khám soi dưới kính lúp nhận định tổn thương, các vị trí đặc trưng của bệnh, đặc thù cơn ngứa và dịch tễ trong gia đình có người bị bệnh tương tự cho phép chẩn đoán bệnh ghẻ mà không cần thiết phải xét nghiệm.

Đôi khi một số trường hợp không điển hình, có thể cần xét nghiệm như: soi tìm cái ghẻ, chất cặn thải của cái ghẻ dưới kính hiển vi, hoặc bằng máy dermoscopy. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng tìm thấy cái ghẻ.

Phụ thuộc vào tình trạng bệnh nhân bị ghẻ giản đơn, ghẻ chàm hóa, ghẻ bội nhiễm, hay ghẻ sẩn cục… mà bác sĩ chuyên khoa da liễu sẽ có kế hoạch điều trị cụ thể cho từng bệnh nhân.

Bác sĩ Lê Nguyên Thảo Nguyên (khoa da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM) hướng dẫn cách trị ghẻ và phòng ngừa ghẻ hiệu quả tại nhà như sau:

Đối với người mắc bệnh:

- Người bệnh cần có chế độ sinh hoạt riêng, không đến những nơi công cộng tránh lây lan cho những người xung quanh.

- Vệ sinh cơ thể sạch sẽ, tắm xà phòng diệt khuẩn, tuân thủ thoa thuốc điều trị ghẻ theo hướng dẫn của bác sĩ, thay đồ dùng vệ sinh cá nhân hằng ngày.

- Vệ sinh quần áo sạch sẽ, toàn bộ quần áo, chăn màn, drap gối đệm giặt sạch, khử trùng ở 60 độ C, ủi khô, bịt kín bằng túi nhựa trong một tuần.

- Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, các tay cầm cửa, khu vực xung quanh…

- Không sử dụng chung các vật dụng cá nhân.

Đối với người chưa mắc bệnh:

- Vệ sinh cơ thể, nhà cửa, đồ dùng cá nhân sạch sẽ.

- Giữ môi trường xung quanh sạch sẽ.

- Khi có nguy cơ mắc bệnh hoặc tiếp xúc với người bị ghẻ, cần nhanh chóng cách ly và đến bác sĩ để được thăm khám kịp thời.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm