Doanh nghiệp

Nhiều chủ tịch doanh nghiệp Việt mới nói 30 phút đã kêu hết giờ, Warren Buffett và Charlie Munger gần 100 tuổi vẫn trả lời cổ đông suốt 5 tiếng

Tỷ phú Warren Buffett (bên phải) sinh ngày 30/8/1930, người cộng sự lâu năm Charlie Munger sinh ngày 1/1/1924. (Ảnh: Getty Images).

Ngày 6/5 vừa qua, Tập đoàn Berkshire Hathaway tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2023. Khoảng 30.000 nhà đầu tư từ khắp nước Mỹ và nhiều quốc gia khác đã không quản ngại xa xôi, đến Trung tâm Y tế CHI ở thành phố Omaha, bang Nebraska, để tham dự sự kiện mỗi năm chỉ có một lần này.

Phần hỏi - đáp (Q&A) giữa các cổ đông và lãnh đạo Berkshire Hathaway diễn ra từ 10h15 sáng đến 16h30 chiều, trong đó có 1 tiếng nghỉ trưa, khoảng thời gian trao đổi thực tế là hơn 5 tiếng đồng hồ.

Đông đảo nhà đầu tư đến với đại hội của Berkshire Hathaway để được đặt ra những câu hỏi và lắng nghe nhận định của Chủ tịch kiêm CEO 92 tuổi Warren Buffett, Phó Chủ tịch 99 tuổi Charlie Munger, cùng một số lãnh đạo khác của tập đoàn.

Để không phụ sự kỳ vọng của các cổ đông, các đại diện của Berkshire đã cố gắng giải đáp các thắc mắc trong hàng loạt lĩnh vực như ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, bất động sản, trí tuệ nhân tạo (AI), … một cách chi tiết nhất có thể. Ngay đầu đại hội, vị tỷ phú giàu thứ 5 thế giới Warren Buffett đã nói: “Hôm nay tôi muốn trả lời ít nhất 60 câu hỏi từ khán giả”.

Việc hai ông cụ tuổi ngoài 90 – gần 100 dành ra 5 tiếng đồng hồ để trao đổi với nhà đầu tư cho thấy thái độ nghiêm túc và sự tôn trọng của ban lãnh đạo Berkshire Hathaway đối với cổ đông – những người cùng làm chủ tập đoàn.

Berkshire Hathaway và nhiều doanh nghiệp lớn khác tại Mỹ còn chú trọng việc cập nhật thông tin hàng quý cho nhà đầu tư bằng cách công bố bản giải trình chi tiết tình hình hoạt động đính kèm báo cáo tài chính, tổ chức họp với nhà phân tích và báo chí, ….

Việt Nam cũng có một số doanh nghiệp đề cao mảng quan hệ nhà đầu tư và nỗ lực minh bạch thông tin như Công ty cổ phần FPT (Mã: FPT), CTCP Đầu tư Thế giới Di động (Mã: MWG), Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG), …. Các doanh nghiệp này đều cập nhật tình hình hoạt động hàng tháng, lãnh đạo chia sẻ cởi mở tại đại hội cổ đông.

Ở chiều ngược lại, thị trường chứng khoán nước ta còn nhiều doanh nghiệp muốn lách luật và né tránh nghĩa vụ công bố thông tin, cung cấp thông tin cho có, tiếp xúc với cổ đông càng ít càng tốt.

Giải trình kiểu “có cũng như không”

Khoản 4 Điều 14 Thông tư 96/2020 của Bộ Tài chính quy định doanh nghiệp niêm yết quy mô lớn phải giải trình nguyên nhân khi lợi nhuận sau thuế tăng hoặc giảm từ 10% trở lên so với cùng kỳ năm trước, chuyển từ lỗ sang lãi hoặc lãi sang lỗ, lợi nhuận sau kiểm toán chênh lệch từ 5% trở lên so với trước kiểm toán, ….

Trong thực tế, nhiều doanh nghiệp chỉ giải trình qua loa đối phó, không có giá trị thông tin.

Ví dụ quý I/2023 vừa qua, một doanh nghiệp thép thua lỗ 49 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái có lãi 507 tỷ. Bản giải trình liệt kê lại các số liệu doanh thu – chi phí trong báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh kèm theo một dòng ngắn gọn: “Lợi nhuận giảm là do giá vốn tăng”.

Doanh nghiệp giải trình theo kiểu lặp lại nội dung đã công bố, không có thông tin làm rõ. (Ảnh chụp màn hình: Song Ngọc)

 Những giải trình kiểu “Lợi nhuận tăng do doanh thu tăng” và “Lãi giảm do chi phí lên cao” không cung cấp thêm thông tin gì cho cổ đông, vì các con số và biến động lên xuống đã được thể hiện trong báo cáo tài chính.

Điều mà cổ đông muốn biết là tại sao khoản mục này tăng, vì sao con số kia giảm? Nhiều thông tin mà nhà đầu tư quan tâm như tình hình cung – cầu của ngành, diễn biến giá bán sản phẩm, sản lượng tiêu thụ từng mặt hàng, triển vọng trong thời gian tới, … lại không được doanh nghiệp nêu ra.

Bản thân doanh nghiệp không cởi mở về thông tin, các cơ quan quản lý thị trường cũng không siết chặt quy định về nội dung giải trình, thành ra văn bản pháp luật thì nhiều nhưng tác dụng thực tế lại ít.

Đến ngày đại hội mới công bố tài liệu, cổ đông nghiên cứu vào lúc nào?

Theo Điều 143 Luật doanh nghiệp 2020, thông báo mời dự đại hội đồng cổ đông phải được gửi đi ít nhất 21 ngày trước ngày khai mạc. Thông báo mời họp phải đính kèm chương trình họp, các tài liệu sử dụng trong cuộc họp và dự thảo nghị quyết đối với từng vấn đề trong chương trình họp.

Thực tế, các doanh nghiệp chỉ gửi thư mời bằng đường bưu điện, còn các tài liệu khác được đăng tải ở website, mục Quan hệ nhà đầu tư. Vấn đề nằm ở chỗ nhiều doanh nghiệp chỉ đăng tải các form mẫu chưa có nội dung cụ thể, giống nhau từ năm này sang năm khác như giấy ủy quyền, đơn ứng cử, mẫu sơ yếu lý lịch, quy chế tổ chức đại hội ….

Các tài liệu được công bố 21 ngày trước đại hội thường chỉ là các mẫu chung chung, dùng từ năm này đến năm khác, không có nội dung cụ thể. (Ảnh chụp màn hình: Song Ngọc). 

Các tài liệu với nội dung cụ thể như mục tiêu doanh thu và lợi nhuận, kế hoạch chào bán cổ phần, phương án chia cổ tức, thông tin ứng viên vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát, … bị nhiều doanh nghiệp ém đến sát ngày đại hội mới công bố, không đảm bảo gửi trước 21 ngày theo quy định của Luật Doanh nghiệp để cổ đông có thời gian nghiên cứu.

Có công ty sáng hôm nay tổ chức đại hội thì đêm hôm qua mới đăng tải đầy đủ tài liệu, có khi 9h sáng đại hội bắt đầu thì 5h sáng thay đổi nội dung tờ trình.

Có tập đoàn không công bố tài liệu trước đại hội, không in tài liệu để phát cho cổ đông mà yêu cầu cổ đông dùng điện thoại thông minh (smartphone) để quét mã QR. Khi được hỏi, đại diện doanh nghiệp nói rằng cổ đông quét mã rồi xem trên điện thoại để đỡ tốn chi phí in ấn.

Điều oái ăm là tài liệu đại hội được đăng tải lên một website riêng biệt và chỉ có thể được truy cập bằng mạng WiFi của hội trường nơi tổ chức đại hội. Khi cổ đông ra về và bắt mạng WiFi ở nhà mình, mã QR và đường link xem tài liệu không còn hiệu lực nữa.

Lý luận “muốn tiết kiệm tiền in ấn” không thể giải thích được tại sao doanh nghiệp phải lập ra một website đặc biệt, hạn chế người truy cập và không cho phép tải tài liệu để lưu về máy tính? Tại sao không đăng tải tài liệu lên website bình thường của mình, để cổ đông ở bất cứ đâu cũng xem được?

Những cổ đông tham dự trực tiếp đại hội không có đủ thời gian để nghiên cứu kỹ các tài liệu mà mình phải biểu quyết, những nhà đầu tư ở xa không biết chính xác đại hội đã bàn bạc những gì.

Đến ngày tổ chức đại hội, doanh nghiệp mới công bố tài liệu, và chỉ các cổ đông có mặt trực tiếp mới xem được tài liệu do đường link bị hạn chế truy cập. (Ảnh: Đức Quyền).

Cấm quay phim, chụp ảnh, ghi âm, ghi hình; biên bản sơ sài

Trên các mạng xã hội hiện có nhiều ảnh, video ghi lại các cuộc họp đại hội đồng cổ đông kéo dài nhiều giờ của các doanh nghiệp Việt Nam cũng như quốc tế như Tesla, Berkshire Hathaway, FPT, Thế giới Di động, …

Trái lại, nhiều doanh nghiệp khác không chủ động quay phim và cũng không cho phép cổ đông ghi âm, ghi hình, chụp ảnh tại đại hội. Một số doanh nghiệp tổ chức đại hội theo hình thức trực tuyến, phát qua YouTube cho cổ đông theo dõi, nhưng sau khi đại hội kết thúc thì video cũng lập tức bị xóa, không cho cổ đông có cơ hội được xem lại.

Luật Doanh nghiệp 2020 không quy định cụ thể các công ty có nghĩa vụ phải ghi hình hay công bố video đại hội, nhưng một câu hỏi được đặt ra là: Tại sao phải giấu diếm? Các lãnh đạo doanh nghiệp lo sợ điều gì mà không cho các cổ đông chụp ảnh, ghi hình, xem lại video?

Các công ty đều phải công bố biên bản đại hội, nhưng nội dung nhiều khi rất sơ sài. Biên bản thường điểm lại ý chính của các tờ trình đã được công bố tại website công ty, tức là không phải thông tin mới. Nội dung hỏi – đáp giữa các cổ đông tại đại hội và ban chủ tọa lắm khi bị lờ đi, chỉ có một dòng ngắn gọn “Cổ đông đã hỏi và lãnh đạo đã trả lời”. Những cổ đông ở xa, sống tại các tỉnh lẻ và không có điều kiện dự đại hội sẽ không biết chính xác lãnh đạo đã trao đổi những gì.

Biên bản liệt kê lại nội dung của tờ trình, phần thảo luận chỉ có một dòng duy nhất: “Đại biểu tham dự Đại hội trực tiếp đặt một số câu hỏi và Đoàn chủ tịch có ý kiến trả lời”. (Ảnh chụp màn hình: Song Ngọc).

Lãnh đạo doanh nghiệp né câu hỏi của cổ đông

Các đại hội cổ đông ở Việt Nam thường bắt đầu vào khoảng 8h30 sáng. Sau khi kiểm tra tư cách cổ đông, ban tổ chức sẽ mời chủ tọa và ban thư ký lên làm việc, đọc các báo cáo và tờ trình, tiếp đó đến phần cổ đông hỏi – ban lãnh đạo trả lời.

Nhiều doanh nghiệp không cho cổ đông trực tiếp nói lên ý kiến mà yêu cầu phải viết ra giấy rồi gửi cho thư ký. Phiếu ý kiến nhiều khi chỉ là nửa tờ giấy A4 với vài dòng kẻ, cổ đông có nhiều tâm tư không thể viết hết ra được.

Phiếu câu hỏi thảo luận tại đại hội cổ đông của một doanh nghiệp niêm yết ở HOSE, chỉ có ba dòng để viết. (Ảnh chụp màn hình: Song Ngọc).

Các lãnh đạo chọn ra một số phiếu câu hỏi để đọc và trả lời, số còn lại bị bỏ qua. Trong những câu hỏi được chọn này, không loại trừ khả năng có cả những câu đã được ban tổ chức chuẩn bị và cài vào từ trước.

Phần hỏi - đáp thường kéo dài khoảng 30 phút, sau đó chủ tọa đại hội (cũng là chủ tịch HĐQT doanh nghiệp) tuyên bố thời gian đã hết, dừng trả lời câu hỏi và chuyển sang phần tiếp theo. Chủ tọa thường nói: “Các ý kiến còn lại của cổ đông sẽ được trả lời bằng văn bản sau”, nhưng thực tế sẽ không có văn bản trả lời nào.

Sau phần bỏ phiếu biểu quyết, nghỉ giải lao và kiểm phiếu, thông qua biên bản và nghị quyết, các đại hội thường kết thúc vào khoảng 11h30 sáng cùng ngày.

Thiết nghĩ, đại hội thường niên mỗi năm chỉ diễn ra một lần, là cơ hội hiếm hoi để cổ đông được gặp trực tiếp và trao đổi với lãnh đạo công ty. Nhưng thực tế tại nhiều đại hội là ban lãnh đạo chủ động kết thúc phần hỏi - đáp khi cổ đông vẫn chưa hết băn khoăn.

Không có quy định nào nói rằng đại hội cổ đông phải kết thúc trong một buổi sáng hoặc một buổi chiều. Nếu nhà đầu tư còn nhiều ý kiến, các vị chủ tịch và tổng giám đốc có sẵn lòng kéo dài đại hội thêm một buổi để giải đáp hay không?

Warren Buffett và Charlie Munger đã gần 100 tuổi, mắt mờ chân chậm nhưng vẫn tiếp chuyện cổ đông 5 tiếng đồng hồ từ sáng đến chiều, vậy các lãnh đạo doanh nghiệp khác, trẻ khỏe hơn, lấy lý do gì để cắt xén thời gian giao lưu với cổ đông mỗi năm một lần?

Cùng chuyên mục

Đọc thêm