Thời sự

Nhà thầu giao thông chật vật do đơn giá, định mức thấp hơn nhiều thực tế

Đơn giá vật liệu xây dựng thấp hơn rất nhiều so với thực tế đang gây khó khăn không nhỏ cho các nhà thầu, nhất là các nhà thầu công trình giao thông bởi khối lượng sử dụng vật liệu lớn mà khi đã ký hợp đồng thì rất khó điều chỉnh.

Là đơn vị đang thực hiện các hợp đồng xây dựng công trình giao thông lên tới hơn 30.000 tỷ đồng, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cho biết, trong đợt "bão giá" vật liệu cao tốc vừa qua, giá cát đắp theo hợp đồng khoảng 153.000 đồng/m3, nhưng thực tế mua lên tới 254.000 đồng/m3.

Một công trình thi công thông thường, riêng hạng mục cát đắp đã cần sử dụng tới 300.000 m3. Tính qua, nhà thầu phải bù lỗ xấp xỉ 30 tỷ đồng. Còn về đơn giá nhân công, chủ đầu tư ép tiến độ, yêu cầu nhà thầu làm '3 ca, 4 kíp' nhưng chưa có đơn giá chi trả cho việc tăng giờ, tiền lương, nhà thầu không biết lấy nguồn ở đâu để bù vào.

 “Việc tháo vòng kim cô mang tên đơn giá, định mức đang là vấn đề rất cấp thiết, nếu không, các doanh nghiệp Việt Nam rất khó tích luỹ tiềm lực để trưởng thành, vươn tầm quốc tế", ông Nguyễn Tuấn Anh đề nghị.

Thừa nhận những bất cập này, ông Nguyễn Thế Minh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Bộ Giao thông vận tải cho biết, định mức đối với các công trình giao thông được Bộ Xây dựng ban hành tại Thông tư 12/2021 còn thiếu nhiều định mức để sử dụng, nhiều định mức đã ban hành nhưng chưa phù hợp.

Theo quy định, đơn giá nhân công do các địa phương công bố hiện nay trên cơ sở áp dụng mức lương tối thiểu vùng và tham khảo khung giá của Bộ Xây dựng ban hành. Nhưng, thực tế giá nhân công ban hành đang thấp hơn so với giá nhân công lao động phổ thông trên thị trường.

Về quản lý chi phí, giá vật liệu theo quy định hiện hành được xác định theo thông báo giá của địa phương hoặc báo giá của nhà cung ứng.

Tuy nhiên, đối với dự án được áp dụng cơ chế đặc thù trong khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, việc xác định giá vật liệu khai thác tại mỏ phụ thuộc vào giá thỏa thuận với chủ sở hữu đất khu vực mỏ (giá chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, hỗ trợ hòa màu trên đất). Giá thỏa thuận giữa các chủ sở hữu còn chưa thống nhất, chênh lệch lớn và chưa có hướng dẫn cụ thể nên khó khăn cho công tác quản lý chi phí của các chủ đầu tư.

Đặc biệt, với các dự án đầu tư công còn chịu sự quản lý của các cơ quan hậu kiểm. Trong khi các cơ quan hậu kiểm đều xác định định mức, giá vật liệu, nhân công, máy thi công theo công bố của cơ quan có thẩm quyền để xác định lại dự toán và làm cơ sở để yêu cầu giảm trừ thanh toán. Song các chủ đầu tư vẫn sử dụng giá vật liệu, nhân công, máy thi công theo công bố giá của địa phương để phê duyệt dự toán xây dựng công trình và thường chưa phù hợp với mặt bằng giá thị trường và điều kiện cụ thể của dự án.

 Ảnh minh họa. (Nguồn:VGP).

Định mức sửa đổi vẫn chưa phản ánh đủ thực tế

Ngày 20/2, Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) đã có văn bản gửi các nhà thầu, các đơn vị tư vấn về việc tham gia ý kiến đối với các định mức dự toán xây dựng công trình, trong đó có dự thảo các định mức sửa đổi, bổ sung Thông tư 12.

Tuy vậy, các doanh nghiệp xây dựng đều nhìn nhận, nhiều định mức sửa đổi nêu vẫn chưa phản ánh đúng và đủ. Các định mức bổ sung được cơ quan quản lý đưa ra đang thấp hơn nhiều so với các định mức đã được Viện Kinh tế xây dựng, Bộ Xây dựng có ý kiến trước đó.

Về giá nhân công, Đại tá Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, giá nhân công các bậc áp dụng ở mức tối thiểu chỉ khoảng 200.000 - 300.000 đồng/ngày nhưng thực tế thị trường lao động phổ thông, chưa qua đào tạo cũng đã 400.000 - 500.000 đồng/ngày, chưa kể các ngày nghỉ, ngày lễ phải tính hệ số 200-300%. Vì vậy, việc lập đơn giá định mức, các cơ quan quản lý Nhà nước trong quá trình nghiên cứu triển khai, cần phải có đối chiếu thực địa.

Về chỉ số bù giá vật liệu, ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch Tập đoàn Định An cũng cho rằng, đối với dự án thực hiện tại địa phương mà không sẵn có loại vật liệu cần thiết hoặc có nhưng không đạt tiêu chuẩn yêu cầu, nhà thầu thi công buộc phải mua vật liệu ở địa phương khác với giá cao hơn so với tại địa bàn dự án, và chi phí vận chuyển cũng tăng lên. Vì vậy, các doanh nghiệp rất mong muốn cơ quan quản lý sớm ban hành đơn giá mới phù hợp với thực tế hơn để doanh nghiệp không còn cảnh "làm xong công trình phải thanh lý máy móc cho đỡ lỗ".

Hiện Cục Quản lý đầu tư xây dựng đã rà soát, tổng hợp, có văn bản gửi Cục Kinh tế, Bộ Xây dựng, trong đó có 547 mã định mức dự toán xây dựng công trình cần xây dựng mới và điều chỉnh để ban hành.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm