Sáng 11-3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tiếp và trực tuyến Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản (BĐS) cho địa phương, doanh nghiệp (Tổ công tác) sau khi Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) được ban hành.
Nhiều dự án được tháo gỡ
Phát biểu tại cuộc họp, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA), cho biết cả nước có khoảng 1.200 dự án BĐS, nhà ở thương mại bị vướng mắc pháp lý, riêng TP HCM hơn 148 dự án không thể triển khai hoặc không thể thực hiện được các thủ tục đầu tư xây dựng. "Vướng mắc pháp lý chiếm đến 70% khó khăn của các doanh nghiệp (DN) chủ đầu tư các dự án BĐS, nhà ở" - ông Châu cho hay.
Một trong số những kiến nghị mà HoREA đưa ra là đề nghị các địa phương xem xét giải quyết cho phép chủ đầu tư được tiếp tục huy động vốn đối với 30%-50% sản phẩm nhà ở còn lại của dự án, trừ phần diện tích kinh doanh thương mại, dịch vụ cho đến khi chủ đầu tư hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ tài chính và nghĩa vụ tài chính bổ sung (nếu có) với Nhà nước.
Một số DN kiến nghị rút ngắn thời gian rà soát thủ tục pháp lý, nguồn gốc sử dụng đất dự án nhà ở xã hội; đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính; nới lỏng điều kiện tiếp cận tín dụng cho chủ đầu tư và người mua có thu nhập trung bình và thấp…
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết thời gian qua, thị trường BĐS nói chung và việc tháo gỡ khó khăn trong triển khai thực hiện dự án BĐS đã có nhiều chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Tiêu biểu là Hà Nội hiện có 404 dự án, qua rà soát phân loại khó khăn, vướng mắc, đã giải quyết đưa ra khỏi danh sách chậm triển khai 81 dự án; 10 dự án đã thu hồi đất, chấm dứt hoạt động; 67 dự án tiếp tục đôn đốc nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Hiện tại, Hà Nội đang tiếp tục triển khai thực hiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho 246 dự án. Tương tự, TP HCM đã triển khai giải quyết theo thẩm quyền 33/72 dự án do Tổ công tác yêu cầu; 44/148 dự án do HoREA tổng hợp kiến nghị; đang tiếp tục triển khai tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho 143 dự án…
Cần có giá bán phù hợp
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết lĩnh vực BĐS "luôn đi cùng" với ngành ngân hàng và liên quan tới hàng loạt lĩnh vực khác như sản xuất, vật tư, vật liệu xây dựng... "Ngành ngân hàng kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào những lĩnh vực rủi ro mà đối với ngành BĐS là đầu cơ và thổi giá khiến khó tiêu thụ sản phẩm, không luân chuyển được dòng vốn, khó thu hồi nợ" - ông Đào Minh Tú nói.
Do đó, bài toán đặt ra là phải vừa hỗ trợ cho thị trường BĐS vừa kiểm soát rủi ro cho hoạt động ngân hàng. Càng tháo gỡ nhanh cho thị trường BĐS bao nhiêu sẽ tháo gỡ cho ngành ngân hàng nhanh bấy nhiêu.
Về vướng mắc trong gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cho nhà ở xã hội, Phó Thống đốc chỉ ra vấn đề mấu chốt là cần tạo điều kiện để "cầu tiếp cận được nguồn cung", tức phải đẩy mạnh nguồn cung, trên cơ sở đó giảm giá khách quan của thị trường trên quan hệ cung - cầu.
Đại diện các ngân hàng BIDV, Agribank, VietinBank và UBND TP Hà Nội… nhất trí rằng khó khăn trong giải ngân gói tín dụng thương mại 120.000 tỉ đồng nằm ở khả năng đáp ứng của chủ đầu tư về năng lực tài chính, tài sản bảo đảm, tính thanh khoản của dự án, giới hạn về tỉ suất lợi nhuận của các dự án.
"Không phải tất cả DN xây nhà ở xã hội mà BIDV tiếp cận đều có nhu cầu vay vốn, vì nhiều dự án chưa có đầy đủ điều kiện để triển khai hoặc đang sử dụng vốn tự có" - ông Trần Phương, Phó Tổng Giám đốc BIDV, cho hay.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh những khó khăn, vướng mắc của thị trường BĐS có ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều ngành nghề như ngân hàng, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng…
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm, có nhiều chỉ đạo, cuộc họp, diễn đàn để ghi nhận ý kiến góp ý, tìm giải pháp tháo gỡ cho thị thường BĐS. Chính phủ, Quốc hội đã khẩn trương sửa đổi các luật liên quan, chuẩn bị ban hành văn bản hướng dẫn luật. Nhà nước sẽ làm hết sức, quyết tâm cao, nỗ lực lớn để thực hiện những gì thuộc trách nhiệm, thẩm quyền.
"Các nhà đầu tư, DN BĐS cũng phải nhìn nhận trách nhiệm của mình trong việc khắc phục nghịch lý thừa phân khúc cấp cao, thiếu sản phẩm dành cho người thu nhập trung bình và thấp, giải quyết tình trạng thổi giá, đẩy giá để cung và cầu gặp nhau…" - Phó Thủ tướng nêu rõ.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các DN, nhà đầu tư tính toán chi phí hợp lý, đưa ra các sản phẩm nhà ở thương mại, nhà ở xã hội có giá bán phù hợp, bảo đảm mức lợi nhuận hợp lý, hài hòa lợi ích với Nhà nước, người dân; góp phần phát triển lành mạnh thị trường BĐS.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Tổ công tác thống kê số dự án BĐS đã được giao đất nhưng đang vướng mắc về thủ tục pháp lý; xây dựng tiêu chí nhà đầu tư BĐS có năng lực; mở rộng đối tượng tiếp cận nhà ở xã hội; hướng dẫn đầy đủ cho địa phương thực hiện theo đúng cơ chế, chính sách đã có về thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, tái định cư, xác định giá đất. "Việc giải quyết các kiến nghị của DN, địa phương phải có địa chỉ, thời hạn cụ thể. Bộ, ngành nào chịu trách nhiệm, bao giờ hoàn thành" - Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương xây dựng, hoàn thiện dự thảo các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS trình Chính phủ trong tháng 5-2024.
Đồng thời đôn đốc, hướng dẫn, hỗ trợ cán bộ làm việc trực tiếp cùng các địa phương, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng… giải quyết các vướng mắc liên quan đến giao đất, cho thuê đất, xác định giá đất, lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hằng năm.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc giải quyết các thủ tục xác định giá đất cho các dự án BĐS, kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp xử lý lòng vòng gây chậm trễ.