Sau 4 tháng tạm dừng, ngày 11/3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bất ngờ chào bán tín phiếu trở lại và hút gần 15.000 tỷ đồng khỏi hệ thống. Động thái của NHNN diễn ra trong bối cảnh tỷ giá tăng nóng trong những tuần gần đây và thanh khoản hệ thống có phần dồi dào trở lại khi tăng trưởng tín dụng ở mức thấp. Điều này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ sự ổn định của tỷ giá USD/VND – vốn đang chịu áp lực và đang tiệm cận mức đỉnh lịch sử. Vậy động thái này có tác động ra sao đến nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng?
Phát hành tín phiếu ghìm áp lực tỷ giá
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP FIDT, nhận định dòng tiền đầu cơ vào 2 thị trường "shadow" là crypto và vàng giai đoạn này là nguyên nhân chính dẫn đến áp lực tỷ giá (áp lực mạnh nhất là trên các sàn crypto và chợ đen). Thời gian qua, cả crypto và vàng đều chạm đỉnh cao mọi thời đại khiến xu hướng đầu cơ theo đà mạnh dần.
Măc dù không có số liệu cụ thể về dòng tiền đầu cơ trên 2 thị trường này không có, nhưng ông Tuấn cho rằng có cơ sở suy đoán rằng quy mô đầu cơ của Việt Nam trên crypto và vàng (đặc biệt là crypto) lớn đáng kể và có thể tạo ra các biến động mạnh trên thị trường tài chính.
Hiện tại, áp lực tỷ giá từ thị trường tự do là rất lớn. Tỷ giá tự do chạm 25.700, trong khi tỷ giá P2P trên crypto cũng trên 25.800. Theo chuyên gia, áp lực tỷ giá lần này là khá đặc biệt, vì Việt Nam đang có nhiều yếu tố làm suy yếu tỷ giá (bao gồm chính sách tiền tệ nới lỏng , lãi suất rẻ kỷ lục, cung VND dư thừa, kinh tế thực yếu - tài chính đầu cơ được ưu tiên, tỷ lệ tham gia crypto cao).
Hành động của NHNN cho thấy họ quan ngại về điều này, cũng đến thời điểm NHNN bắt buộc phải ra dấu hiệu tạm dừng dòng tiền đầu cơ bằng can thiệp, dù hiệu quả chưa rõ ràng .
Mục đích của NHNN là bảo vệ kỳ vọng tỷ giá trung hạn (kỳ vọng tỷ giá ngân hàng của VN ngưỡng 24.800 – 25.000 (giống USDJPY ngưỡng 150 - 152), với biên động dao động an toàn < 3%/năm).
2 kịch bản hút tiền của NHNN
Dự báo về động thái tiếp theo của NHNN, chuyên gia FIDT đưa ra hai kịch bản:
Kịch bản 1, NHNN hút bill nhẹ, dự đoán khoảng 120.000 – 150.000 tỷ, duy trì khoảng hơn 1 tuần với tốc độ 15.000/phiên như hiện tại. Kịch bản này xảy ra nếu xu hướng crypto và gold có dấu hiệu giảm nhiệt.
Kịch bản 2, nếu xu hướng crypto và gold vào xu hướng tăng trung hạn, liên tục tạo đỉnh mới, động lượng tăng giá cao, khiến tỷ giá tự do phá đỉnh 26. 000 hoặc cao hơn nữa, ông Tuấn cho rằng NHNN hút bill mạnh. Khối lượng phát hành tín phiếu dự báo khoảng 180.000 – 200.000 tỷ là cao trong đợt này.
Những số liệu dự đoán dựa trên hành động hút bill quý 3/2023 của SBV cũng như dựa trên thanh khoản dư thừa hệ thống ngân hàng hiện tại (khoảng trên 230.000 tỷ).
Tác động đến thanh khoản thị trường chứng khoán
Về bối cảnh kinh tế hiện tại, chuyên gia FIDT cho rằng bức tranh kinh tế tổng thể đang tốt hơn nhiều so với kỳ vọng đa số quý trước.
Động thái này của NHNN có thể gây thắt chặt thanh khoản phần nào đó trên thị trường liên ngân hàng/thị trường chứng khoán, nếu hành động hút diễn ra liên tục sắp tới.
"Lượng thanh khoản TTCK giai đoạn gần đây duy trì mức trên 23.000 tỷ/phiên nhờ vào 1 phần lượng thanh khoản dư thừa trong hệ thống tài chính và lãi suất rẻ kỷ lục chảy trong nền kinh tế.
Với việc thắt chặt lượng vốn dư thừa trên liên ngân hàng, có thể quan ngại lượng cầu mua của TTCK sẽ giảm phần nào đó, do các giảm rủi ro về thanh khoản ngắn hạn và tâm lý nhà đầu", ông Huỳnh Minh Tuấn cho biết.
Dù vậy, ông kỳ vọng việc phát hành tín phiếu của NHNN kỳ vọng ko gây ảnh hưởng đến cấu trúc lãi suất tiền gửi - cho vay của hệ thống ngân hàng trong giai đoạn quý 2 , trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng vẫn chưa khởi sắc đáng kể.
Tuy nhiên, nên nhìn rủi ro tăng đầu cơ của crypto và vàng là rủi ro cục bộ cho Việt Nam trong ngắn hạn, nhà quản lý đang nhận ra rủi ro. Sau giai đoạn này, có thể chờ đợi vào xu hướng mới tốt hơn của thị trường.
"Nhờ sự linh hoạt và xoay chiều nhanh về chính sách mà nội tại kinh tế Việt Nam đã vượt qua mùa khó tốt và tạo nền tảng kì vọng cho VN-Index trong thời gian gần đây. Tôi cho rằng tác động của việc hút bill kì này cũng mang tính ngắn hạn và bối cảnh có tích cực hơn giai đoạn tháng 11/2023", Chủ tịch FIDT nhận định.