Cụ thể, 8h30 sáng nay, giá vàng tại Doji được niêm yết ở mức 80,25 - 82,25 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 100.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng nay.
Trong khi đó, giá vàng tại SJC được niêm yết ở mức 80,3 - 82,3 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 100.000 đồng/lượng.
Như vậy, giá vàng đã leo lên mức đắt nhất lịch sử, vượt qua kỷ lục 82,2 triệu đồng/lượng được lập hôm 10/3.
Giá vàng trong nước liên tục tăng, phá kỷ lục là do tác động của giá thế giới. Theo đó, giá vàng thế giới hiện được niêm yết trên Kitco ở mức 2.181 USD/ounce, tăng 2 USD/ounce so với đầu giờ sáng qua.
Thời gian gần đây, giá vàng tăng không ngừng trong bối cảnh các nhà giao dịch tập trung chờ đợi dữ liệu lạm phát của Mỹ để biết rõ hơn về đường hướng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Chuyên gia phân tích cấp cao Jim Wyckoff của Kitco Metals cho rằng, nếu dữ liệu lạm phát “nóng” hơn báo cáo tháng trước có thể kích hoạt một đợt bán tháo trên thị trường vàng. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, dữ liệu cũng có thể đẩy vàng lên các mức cao mới trong thời gian tới.
Hiện tại, theo công cụ CME FedWatch, các nhà giao dịch đang định giá khoảng 70% khả năng lãi suất sẽ giảm vào tháng 6.
SPDR Gold Trust GLD, quỹ giao dịch trao đổi vàng lớn nhất thế giới, cho biết lượng vàng nắm giữ đã giảm xuống 815,13 tấn vào ngày 8/3.
Alex Pickard, Phó Chủ tịch Research Affiliates, nhận định, giá vàng tăng cao tạo ra tâm lý lạc quan lan sang các loại tài sản khác, thúc đẩy nhà đầu tư mua vào. Trong ngắn hạn, giá vàng tiếp tục xu hướng tăng ổn định.
Kar Yong Ang, chuyên gia phân tích thị trường tài chính tại Octa, cho biết việc các ngân hàng trung ương đẩy mạnh mua vàng sẽ là động lực tăng giá của kim loại quý trong năm nay.