Sau nhiều lần tiệm cận, VN-Index đã chính thức vượt 1.300 điểm phiên 12/6. Về độ rộng của thị trường, sàn HOSE ghi nhận số mã tăng giá áp đảo với 313 mã trong khi có 124 mã giảm giá và 64 mã đứng giá tham chiếu. Tương tự, rổ VN30 có 25 cổ phiếu tăng giá và 4 mã giảm giá.
Nhóm ngân hàng đóng vai trò nâng đỡ thị trường. Điển hình là VPB tăng 6% lên 19.400 đồng/cp, đóng góp lớn nhất cho sắc xanh của VN-Index. Không chỉ tăng giá, cổ phiếu của VPBank dẫn đầu thanh khoản toàn thị trường với hơn 75,8 triệu đơn vị được giao dịch.
Thanh khoản thị trường giảm so với phiên trước với tổng khối lượng giao dịch đạt gần 1,05 tỷ đơn vị, tương ứng giá trị gần 26.200 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch khớp lệnh trên sàn HOSE đạt gần 23.300 tỷ đồng, giảm 8% so với phiên 11/6.
Kịch bản vượt 1.300 điểm của VN-Index trong tháng 6 không nằm ngoài dự báo của các chuyên gia chứng khoán trong nước.
Theo ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TP HCM của Chứng khoán DSC, thị trường đã vượt đỉnh cũ và vượt qua ngưỡng tâm lý. Dòng tiền, đặc biệt là tiền nội sẽ tự tin hơn và khả năng thị trường sẽ bước vào giai đoạn tăng nhanh nếu thông tin CPI tháng 5 và tín hiệu từ kỳ họp của Fed tháng 6 là không quá tiêu cực.
Dòng tiền nội đã cân dòng vốn ngoại bán ròng và hiện tại đang khá tự tin. Thị trường sẽ tiếp tục có nhiều cơ hội và diễn biến sôi động. Khi vượt đỉnh, nhà đầu tư nên quan tâm các nhóm có độ tương quan cao với chỉ số. Các mã vốn hóa lớn có thể là điểm đến của dòng tiền. Ví dụ các cổ phiếu “quốc dân” như ngân hàng, chứng khoán, thép sẽ là những sự lựa chọn đơn giản nhất và dễ đầu tư nhất.
Theo ông Huy, lúc này, lạc quan nhưng không quên quản trị rủi ro, nhà đầu tư cần lưu ý theo dõi bối cảnh và cập nhật thường xuyên, tránh trạng thái hưng phấn thái quá.
Ông Nguyễn Huy Bằng, Giám đốc Chi nhánh Vũng Tàu của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng đánh giá vượt 1.300 điểm là diễn biến tất yếu, khi thị trường có thời gian hơn 4 tuần tích lũy tại vùng 1.260-1.280 điểm.
Các nhóm ngành nhỏ liên tục phân hóa chinh phục đỉnh mới trong khi ba nhóm ngành chính gồm ngân hàng, chứng khoán, và bất động sản phần lớn ở trong trạng thái tích lũy đi ngang, một số đi tìm vùng đáy mới. Vì vậy khi những nhóm cổ phiếu có tỷ trọng vốn hóa lớn ở bà nhóm này bắt đầu hồi phục khiến thị trường có sự đồng pha đi lên vượt 1.300 điểm là điều dễ hiểu và có thể tiến xa hơn nữa.
“Đây là điểm khởi đầu cho sự hứng khởi về mặt tâm lý của nhà đầu tư, và sự dịch chuyển của ba nhóm ngành đang ủng hộ và củng cố xu hướng tăng tiếp diễn của thị trường”, ông Bằng nhận định.
Thanh khoản thị trường được dự báo cải thiện dần trong thời gian tới. Tuy nhiên nhà đầu tư tránh mua những cổ phiếu tăng nóng không dựa trên nền tảng kinh doanh.
Theo nhà môi giới từ VDSC, thị trường sẽ giao dịch rất sôi động khi vượt 1.300 điểm nhưng sẽ không dễ để nhà đầu tư tìm kiếm các cơ hội, sự đồng pha chỉ diễn ra trong một vài thời điểm.
Nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn nên tập trung vào các cổ phiếu có nền tảng kinh doanh vững mạnh và có giá phục hồi sau thời gian tích lũy 2 - 3 tuần.
Nhà đầu tư được khuyến nghị có tỷ trọng cổ phiếu cao 70 - 80% và có thể giảm dần vào đầu tháng 7 để đón đợi kết quả kinh doanh quý II. Các nhóm ngành cần chú ý gồm chứng khoán có hiệu quả kinh doanh sẽ thu hút dự chú ý của nhà đầu tư; ngành ngân hàng sẽ rất phân hóa , cơ hội cho các cổ phiếu ngân hàng chưa tăng mạnh so với quý I; nhóm bất động sản dù chưa kỳ vọng nhiều nhưng có thể có các nhịp hồi ngắn hạn khi đang ở nền giá thấp.
Đa phần báo cáo chiến lược tháng 6 của các công ty chứng khoán đều nghiêng về kịch bản VN-Index vượt 1.300 điểm. SSI Research cho rằng sau khi nhấn mạnh thời điểm chọn lọc cổ phiếu vào tháng 5, việc tận dụng vùng giá cao để bảo toàn thành quả cho danh mục là chiến lược có thể phù hợp với bối cảnh thị trường hiện tại. Ở chiều mua, việc đa dạng hóa danh mục theo ngành có thể giúp nhà đầu tư chủ động đón đầu dòng tiền liên tục xoay vòng và hạn chế rủi ro.
Tỷ trọng cổ phiếu tiếp tục được khuyến nghị duy trì ở mức cân bằng, chỉ mua gom trong các nhịp điều chỉnh và việc lựa chọn nên tập trung vào các cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng kết quả kinh doanh cao và ổn định. Nhiều nhóm ngành sẽ lần lượt hồi phục trên nền so sánh rất thấp của năm 2023.
Theo ước tính của SSI Research, các cổ phiếu có kết quả kinh doanh tăng trưởng vững chắc trong các nhóm ngành bán lẻ, phân bón, thép - tôn mạ, chứng khoán và xuất khẩu sẽ có cơ hội nhiều nhất trong năm 2024. Trong khi đó, sự chú ý của thị trường còn mở rộng sang một số nhóm ngành có định giá gần như đi ngang nếu tính từ đầu năm 2023 như nhóm thực phẩm đồ uống và nhóm tiện ích (điện) và các cổ phiếu dự kiến trả cổ tức cao.
Tại báo cáo chiến lược tháng 6, Chứng khoán VNDirect khuyến nghị nhà đầu tư có thể gia tăng tỷ trọng cổ phiếu khi những chỉ báo vĩ mô cải thiện, đặc biệt chú ý đến các nhóm ngành có câu chuyện hỗ trợ như thép, bất động sản, mía đường và công nghệ.
Theo Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN), xu hướng dài hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Áp lực lạm phát có dấu hiệu tăng trở lại, nhưng lạm phát vẫn trong chu kỳ giảm, đồng USD hạ nhiệt. Lãi suất USD vẫn đang neo ở mức cao, trong khi đó các ngân hàng trung ương tại châu Âu và Canada đã bắt đầu giảm lãi suất, điều này đặt ra sự kỳ vọng về khả năng giảm lãi suất trong thời điểm 6 tháng cuối năm nhằm hỗ trợ đà hồi phục của nền kinh tế.
YSVN cho rằng thị trường trong tháng 6 sẽ có sự phân hóa và VN-Index dự kiến sẽ tăng điểm. Tuy nhiên, nếu chỉ số VN30 vượt được mức 1.310 điểm thì xu hướng tăng sẽ rõ ràng hơn và dòng tiền có thể quay trở lại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Do đó, các nhà đầu tư nên chú ý vào việc lựa chọn cổ phiếu trong danh mục và vẫn ưu tiên nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong dài hạn.