Khoa học

Người đàn ông thường để rắn độc cắn vào người cách đây 12 năm giờ ra sao?

Tóm tắt:
  • Tim Friede tự tiêm và để hơn 100 loài rắn độc cắn để tạo miễn dịch với nọc rắn.
  • Sau 12 năm, kháng thể của ông giúp các nhà khoa học phát triển "siêu huyết thanh" kháng nhiều loại nọc rắn.
  • Huyết thanh truyền thống chỉ hiệu quả với từng loại rắn, còn huyết thanh mới dùng được cho nhiều loài.
  • Kháng thể từ Tim được thử trên chuột, bảo vệ khỏi nọc độc của nhiều loài rắn trong họ rắn hổ.
  • Nhóm nghiên cứu sẽ tiến hành thử nghiệm trên động vật khác và phát triển huyết thanh cho họ rắn lục.

Vào năm 2013, Tim Friede, một công dân 45 tuổi (vào thời điểm đó) sống tại thành phố Milwaukee (bang Wisconsin, Mỹ) đã khiến dư luận thế giới xôn xao khi thực hiện một thí nghiệm nhằm chứng minh con người có thể trở nên miễn dịch với chất độc của các loài rắn nếu dần dần làm quen với nọc độc của chúng.

Để thực hiện thí nghiệm của mình, Friede đã tự tiêm vào tay các loại nọc độc đã được pha loãng của nhiều loài rắn độc khác nhau. Mỗi lần tiêm nọc độc, Friede tin rằng cơ thể mình sẽ sản xuất nhiều kháng thể để loại bỏ các chất độc ra khỏi người.

Không chỉ tự tiêm nọc độc vào người, Friede còn cho các loài rắn độc cắn vào tay mình. Friede cho biết đã để hơn 100 loài rắn độc cắn vào tay mình, trong đó có cả Mamba đen, một trong những loài rắn độc nhất thế giới có khả năng giết chết người trưởng thành trong chưa đầy 20 phút.

Tim Friede để rắn Mamba đen cực độc cắn vào tay (Video: Tim Friede).

Sau 12 năm, Tim Friede vẫn hoàn toàn khỏe mạnh và thí nghiệm của ông đã giúp khoa học đứng trước cơ hội tạo ra một loại "siêu huyết thanh" có khả năng kháng hàng loạt loại nọc rắn độc một cách hiệu quả.

Cơ hội tạo ra "siêu huyết thanh" kháng độc toàn năng

Trong một bài báo được xuất bản trên tạp chí khoa học Cell, các nhà khoa học đã thảo luận về khả năng sử dụng kháng thể của Tim Friede để tạo ra một loại "siêu huyết thanh" kháng được đồng thời nọc độc của nhiều loại rắn khác nhau.

Về cơ bản, thí nghiệm do Tim Friede thực hiện từ 12 năm trước cũng tương tự như cách các nhà khoa học tạo ra huyết thanh kháng nọc rắn.

Người đàn ông thường để rắn độc cắn vào người cách đây 12 năm giờ ra sao? - 1

Tim Friede đã để cho hàng chục loài rắn độc cắn vào người nhằm sinh ra kháng thể chống nọc rắn (Ảnh: Tim Friede).

Theo đó, với quy trình sản xuất huyết thanh kháng nọc độc rắn, các nhà khoa học sẽ tiêm vào ngựa hoặc cừu một loại nọc rắn độc cụ thể đã được pha loãng, sau đó họ sẽ thu hoạch những kháng thể do cừu hoặc ngựa sinh ra để tạo thành huyết thanh kháng nọc.

Tuy nhiên, các loại huyết thanh kháng nọc chỉ phù hợp với từng loại rắn cụ thể. Chẳng hạn huyết thanh kháng nọc rắn hổ mang không thể sử dụng cho nạn nhân bị rắn lục cắn.

Do vậy, với kháng thể thu được từ Tim Friede, các nhà khoa học hy vọng họ có thể tạo ra một loại "siêu huyết thanh" có thể sử dụng cho nhiều loại rắn độc khác nhau, dù cho chúng sở hữu loại nọc độc ảnh hưởng đến tế bào hay nọc độc ảnh hưởng hệ thần kinh.

"Tim Friede có lịch sử miễn dịch độc đáo và chưa từng có. Cơ thể anh ấy có thể tạo ra những kháng thể giúp tạo ra một loại huyết thanh toàn năng", Jacob Glanville, Giám đốc điều hành công ty công nghệ sinh học Centivax, đứng đầu nhóm nghiên cứu tạo huyết thanh từ kháng thể của Tim Friede, cho biết.

Tương lai của huyết thanh kháng nọc độc rắn

Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm kháng thể từ Tim Friede với 19 loài rắn độc thuộc họ rắn hổ, bao gồm những loài rắn độc nhất thế giới như rắn mamba, rắn taipan, rắn san hô, rắn cạp nia, rắn hổ mang…

Các nhà khoa học đã kết hợp kháng thể từ Tim Friede với varespladib, một chất ức chế độc tố đã được biết, để tạo ra hai loại kháng thể mới.

Kháng thể đầu tiên có tên gọi LNX-D09, giúp bảo vệ chuột khỏi nọc độc của 6 trong tổng số 19 loài rắn được thử nghiệm. Trong khi loại kháng thể thứ hai, có tên gọi SNX-B03, bảo vệ được chuột khỏi tất cả nọc độc của các loài rắn còn lại trong thí nghiệm.

Các nhà khoa học tin rằng kháng thể mới được tạo ra này cũng có thể giúp chống lại nọc độc thần kinh của các loài rắn khác thuộc họ rắn hổ không thuộc 19 loài được mang ra thử nghiệm.

Với sự thành công của huyết thanh kháng độc trong thử nghiệm trên chuột, nhóm nghiên cứu đã sẵn sàng tiến hành thử nghiệm trên các loài động vật khác, chẳng hạn như chó hoặc ngựa… trước khi thử nghiệm trên con người.

Các nhà khoa học cũng dự định sử dụng kháng thể của Tim Friede để tạo ra huyết thanh kháng nọc độc của các loài thuộc họ rắn lục.

"Chúng tôi đang tiếp tục thử nghiệm với hy vọng tạo ra sản phẩm cuối cùng là một hỗn hợp huyết thanh kháng độc toàn năng. Chúng tôi sẽ tạo ra hai loại huyết thanh, một để chống lại nọc độc của họ rắn hổ và một dành cho họ rắn lục, vì đây là hai họ rắn độc phổ biến nhất thế giới", Giáo sư Peter Kwong, đến từ Đại học Columbia, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.

Sự ra đời của một loại "siêu huyết thanh" kháng nọc độc rắn sẽ mở ra cơ hội để cứu sống nhiều người bị rắn cắn hơn, trong bối cảnh nhiều nạn nhân bị rắn độc cắn đã không qua khỏi do tình trạng khan hiếm huyết thanh hoặc không có huyết thanh phù hợp với loại rắn độc đã cắn họ.

Các tin khác

Giá vàng đồng loạt tăng

Vào lúc 9h30 sáng nay (8/5), Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC 120,7 - 122,7 triệu đồng/lượng, tăng nửa triệu đồng/lượng so với trước giờ mở cửa phiên giao dịch.