Cuộc cách mạng thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam đang diễn ra với tốc độ chưa từng có.
Theo ước tính của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, khối lượng giao dịch không dùng tiền mặt đã tăng 50% trong năm 2023 và tiếp tục tăng mạnh hơn nữa trong năm 2024. Không lâu trước đây, tiền mặt vẫn là “vua” tại Việt Nam. Thế nhưng giờ đây, chỉ cần một chiếc điện thoại và mã QR là người dân có thể dễ dàng thực hiện các hoạt động thanh toán thường nhật.

(Nguồn: SBV, Đồ hoạ: Đăng Sơn).
Sự bùng nổ của hình thức thanh toán qua mã QR, dẫn đầu là VietQR, một chuẩn mã được chuẩn hóa bởi CTCP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), đã tạo áp lực buộc các ví điện tử như MoMo và ZaloPay phải liên tục đổi mới để duy trì vị thế và sự hiện diện trong tâm trí người dùng.
Trong bối cảnh dòng vốn đầu tư công nghệ bị thắt chặt, các công ty fintech tại Việt Nam cũng đang phải xoay xở để thích nghi với môi trường pháp lý ngày càng khắt khe hơn. Dù vậy, nhiều chuyển biến và thay đổi về khung pháp lý cũng đang mở ra những cơ hội mới cho các fintech.
Nỗ lực gọi vốn đầy ảm đạm, fintech Việt đẩy mạnh nỗ lực tự thân
Theo dữ liệu từ Tech in Asia, các công ty fintech tại Việt Nam chỉ huy động được chưa đến 1 triệu USD trong năm 2024, một con số quá nhỏ bé so với mức 474 triệu USD mà phân khúc này từng làm được vào năm 2021.

Tổng giá trị vốn đầu tư đổ vào các công ty fintech Việt Nam trong giai đoạn từ 2020 đến 2024 (Đơn vị: triệu USD, Nguồn: Tech in Asia, Đồ hoạ: Đăng Sơn, chỉ tính đến các giao dịch đầu tư được công khai).
Dù vậy, Việt Nam vẫn là một thị trường hấp dẫn đối với các “ông lớn” nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh, minh chứng là thương vụ Airwallex mua lại CTIN Pay. Công ty Việt Nam này sở hữu giấy phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán giúp Airwallex có thể mở rộng hoạt động tại thị trường trong nước.
Ngoài các thương vụ M&A, chiến lược cốt lõi của nhiều công ty fintech hiện nay là đa dạng hóa dịch vụ.
Khi “cuộc cách mạng QR” ngày càng mở rộng, cả MoMo và ZaloPay đều đã triển khai hình thức mã QR “toàn năng” trong năm ngoái. Hình thức mã QR này cho phép bất kỳ người dùng VietQR nào cũng có thể thanh toán tại các điểm chấp nhận liên kết, ngay cả khi không sử dụng ví điện tử tương ứng.
Tuy nhiên, các công ty này vẫn đang nỗ lực vượt ra khỏi hình ảnh của một ví điện tử đơn thuần để hướng tới mô hình siêu ứng dụng tài chính, với kỳ vọng người dùng sẽ tiếp tục gắn bó để thực hiện các nhu cầu như mua bảo hiểm, thanh toán hóa đơn, đầu tư hay thậm chí là giao dịch chứng khoán.
Cả MoMo và ZaloPay đều đã tái định vị thương hiệu trong năm 2024 khi giới thiệu mình là các siêu ứng dụng tài chính tích hợp công nghệ AI.
Tại hội nghị Saigon Summit của Tech in Asia tổ chức vào tháng 5 năm ngoái, ông Nguyễn Mạnh Tường, CEO của MoMo, cho biết ông không xem VietQR là đối thủ cạnh tranh và nhấn mạnh xu hướng thanh toán QR thực ra đã khiến người dùng tương tác với ứng dụng này nhiều hơn trước.

Số vòng đầu tư vào các công ty fintech Việt Nam trong giai đoạn từ 2020 đến 2024 (Nguồn: Tech in Asia, Đồ hoạ: Đăng Sơn, chỉ tính đến các giao dịch đầu tư được công khai).
Chiến lược chuyển hướng này có vẻ đang bắt đầu phát huy hiệu quả, khi MoMo đang tiến gần hơn tới ngưỡng có lãi.
Startup “kỳ lân” VNLife cũng đang phát triển mạnh mẽ, với nền tảng VNPay đạt doanh thu vượt 1 tỷ USD trong cả năm 2022 và 2023.
Khác với MoMo, VNPay tập trung vào hạ tầng thanh toán phía sau (backend) và các giải pháp mã QR cho doanh nghiệp, thay vì tập trung vào xây dựng một ứng dụng hướng tới người tiêu dùng.
Một cái tên đáng chú ý khác là F88 khi mới đây Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa có công văn xác nhận F88 đã đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng theo quy định của Luật Chứng khoán. Công ty này đã ghi nhận 13,7 triệu USD lợi nhuận sau thuế trong năm 2024, mức cao nhất từ trước tới nay.
Quy định và yêu cầu tuân thủ ngày càng chặt chẽ
Một quy định yêu cầu quét khuôn mặt đối với các giao dịch ngân hàng trên 10 triệu đồng đã thu hút sự quan tâm trong năm 2024. Kể từ ngày 1/1/2025, tất cả người dùng giao dịch điện tử tại Việt Nam đều bắt buộc phải cung cấp thông tin sinh trắc học cho nền tảng tài chính mà họ sử dụng để thực hiện các giao dịch điện tử.
Anh Nguyễn Cường Anh, CEO kiêm đồng sáng lập startup mua trước trả sau Fundiin, chia sẻ với Tech in Asia rằng quy định này đã giúp đội ngũ của anh giảm chi phí trong việc phòng chống gian lận danh tính, từ đó có thể tập trung nhiều hơn vào việc phát triển sản phẩm.
Trong khi đó, ông Niraan De Silva, CEO của VNLife, nhận định rằng các công ty fintech hoạt động tại Việt Nam hiện nay đang chú trọng hơn đến việc tuân thủ quy định, thay vì “tìm cách lách luật một cách khéo léo để vừa vi phạm vừa như thể đang tuân thủ”.

Các yêu cầu, quy định ngày càng chặt chẽ yêu cầu fintech phải đầu tư mạnh mẽ hơn về mặt công nghệ, hạ tầng để đáp ứng tuân thủ. (Ảnh: Tech in Asia).
Ông cũng cho biết thêm các biện pháp tuân thủ này bao gồm việc đảm bảo rằng các đối tác thương nhân/nhà bán hàng có giấy phép hợp lệ, không tham gia vào các hoạt động phi pháp, và được đăng ký với cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Cả ông Nguyễn Cường Anh và ông De Silva đều cho rằng bảo mật dữ liệu sẽ trở thành một trọng tâm lớn đối với các công ty fintech hoạt động tại Việt Nam trong những năm tới. Khi các công ty ngày càng xử lý khối lượng lớn dữ liệu từ người dùng và đối tác thương mại, ông De Silva khẳng định rằng việc đầu tư mạnh hơn vào an ninh mạng là điều thiết yếu.
Các cơ quan quản lý tại Việt Nam cũng đang bắt đầu chú trọng hơn đến dữ liệu trong lĩnh vực fintech mà việc ra mắt Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia gần đây là một minh chứng. Theo ông Cường Anh, sáng kiến này sẽ tập trung hóa dữ liệu định danh và tài chính từ các cơ quan nhà nước và tập đoàn lớn, từ đó cung cấp nguồn hỗ trợ giá trị cho các công ty fintechđặc biệt là các đơn vị cho vay.
Nhiều sân chơi mới mở ra
Trong bối cảnh môi trường pháp lý ngày càng chặt chẽ hơn nhằm đảm bảo an toàn hệ thống và bảo vệ người tiêu dùng, Chính phủ Việt Nam đồng thời cũng đang tích cực hoàn thiện các khung pháp lý mới nhằm khuyến khích đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng.
Những hành lang pháp lý này đang mở ra “sân chơi” thử nghiệm minh bạch và hợp pháp cho các mô hình tài chính công nghệ mới, tạo điều kiện để các giải pháp đột phá có cơ hội tiếp cận thị trường thực tế.
Một trong những bước đi cụ thể là việc Chính phủ ban hành Nghị định 94/2025/NĐ-CP về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Sandbox) trong lĩnh vực ngân hàng, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.
Nghị định này đặt nền móng cho việc thử nghiệm có giới hạn các sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh sáng tạo ứng dụng công nghệ trong tài chính như mô hình chấm điểm tín dụng tự động, chia sẻ dữ liệu qua Open API và nền tảng cho vay ngang hàng (P2P lending).
Cơ chế thử nghiệm nói trên được thiết kế dành cho nhiều nhóm chủ thể, bao gồm các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (trừ lĩnh vực cho vay ngang hàng), công ty fintech, cơ quan quản lý nhà nước, người tiêu dùng, cùng các tổ chức, cá nhân liên quan khác. Đây được xem là bước đệm quan trọng giúp các ý tưởng mới có thể được kiểm chứng trong thực tế, trong khi vẫn nằm trong phạm vi giám sát để kịp thời xử lý rủi ro và điều chỉnh chính sách phù hợp.
Bên cạnh đó, cũng không thể không nhắc đến việc Chính phủ Việt Nam đang tích cực nghiên cứu và xây dựng khung pháp lý để quản lý và thúc đẩy sự phát triển của tài sản số và tiền kỹ thuật số.
Toàn cảnh bức tranh fintech tại Việt Nam

Nguồn: Tech in Asia, Việt hoá: Đăng Sơn.