Doanh nghiệp

Không hình sự hóa các sai phạm kinh tế

Tóm tắt:
  • Nghị quyết 68 sửa đổi các quy định pháp luật, ưu tiên xử lý vi phạm kinh tế dân sự trước khi xem xét hình sự.
  • Doanh nghiệp được phép chủ động khắc phục sai phạm, tránh hồi tố bất lợi cho họ.
  • NQ 68 tạo niềm tin cho doanh nhân, khuyến khích họ đầu tư và phát triển bền vững.
  • Chính phủ xác định không hình sự hóa quan hệ dân sự, tạo môi trường kinh doanh minh bạch.
  • Quốc hội cần cụ thể hóa các giải pháp của NQ 68 bằng các luật liên quan để thúc đẩy kinh tế tư nhân.

Bước tiến bộ lớn thúc đẩy phát triển kinh tế

Cụ thể theo Nghị quyết 68 (NQ 68): Sửa đổi các quy định pháp luật để bảo đảm nguyên tắc khi xử lý các sai phạm, vụ việc về dân sự kinh tế, ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước, cho phép các doanh nghiệp (DN), doanh nhân được chủ động khắc phục sai phạm, thiệt hại. Trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì kiên quyết không áp dụng xử lý hình sự. Trường hợp đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế trước và là căn cứ quan trọng để xem xét các biện pháp xử lý tiếp theo. Không hồi tố các quy định pháp luật để xử lý bất lợi cho DN.

Không hình sự hóa các sai phạm kinh tế- Ảnh 1.

Nghị quyết 68 nêu rõ không hình sự hóa các sai phạm trong kinh tế

ẢNH: Ngọc Dương

NQ 68 nêu cụ thể khi giải quyết vi phạm kinh tế phải ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước, cho phép các doanh nhân được chủ động khắc phục sai phạm, thiệt hại. NQ 68 một lần nữa khẳng định về mặt chính sách của Đảng và Nhà nước và thật sự là bước tiến bộ lớn khi đề cập một vấn đề được xem là nhạy cảm trong quan hệ kinh tế, dân sự. Điều này là liều thuốc tinh thần mạnh mẽ đối với các doanh nhân, thúc đẩy họ mạnh dạn và có niềm tin về việc Đảng và Chính phủ sẽ cải cách thể chế, xây dựng môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch.

Luật sư Bùi Quang Nghiêm, Đoàn luật sư TP.HCM

Luật sư Bùi Quang Nghiêm, Đoàn luật sư TP.HCM, bày tỏ ấn tượng với giải pháp không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế. Từ nhiều năm qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng có những lần phát biểu về việc không hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế nhưng đây là lần đầu tiên một nghị quyết của Đảng đề cập thẳng thắn, cụ thể vấn đề này. 

Luật sư Nghiêm chỉ ra trong thực tế, thời gian qua đã có nhiều vụ sai phạm kinh tế bị xử lý hình sự và sau một thời gian lại công bố oan sai; hay vẫn còn nhiều vụ gây tranh cãi kéo dài. Thậm chí việc xử lý hình sự sai phạm trong lĩnh vực kinh tế quá nhiều đã ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường kinh doanh. Chẳng hạn, sau hàng loạt trường hợp bắt giữ các doanh nhân, xử lý vi phạm tại một số DN liên quan đến trái phiếu DN không chỉ gây hoang mang cho doanh nhân mà còn khiến tâm lý lo lắng lan rộng cho nhiều thành phần tham gia. Từ đó khiến thị trường đóng băng, kéo theo hoạt động của nhiều DN lẫn thị trường tài chính gặp khó khăn. Khi đó, Chính phủ cũng phải can thiệp bằng nhiều giải pháp để hỗ trợ thị trường phục hồi, đưa thị trường trái phiếu phát triển trở lại. 

Thông điệp cụ thể từ NQ 68 không chỉ cổ vũ tinh thần khởi nghiệp, mạnh dạn đổi mới sáng tạo trong DN, mà còn là giải pháp hỗ trợ thiết thực tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi giúp các doanh nhân, DN vượt qua giai đoạn khó khăn, an tâm phát triển lâu dài, lớn mạnh. Hay nói cách khác, nỗi hoang mang, lo lắng của DN, doanh nhân sẽ được giải tỏa. Từ đó sẽ kích thích giới doanh nhân mạnh dạn bỏ vốn kinh doanh, mở rộng hoạt động hay thực hiện các hành vi kinh tế không bị pháp luật cấm.

"NQ 68 nêu cụ thể khi giải quyết vi phạm kinh tế phải ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước, cho phép các doanh nhân được chủ động khắc phục sai phạm, thiệt hại. NQ 68 một lần nữa khẳng định về mặt chính sách của Đảng và Nhà nước và thật sự là bước tiến bộ lớn khi đề cập một vấn đề được xem là nhạy cảm trong quan hệ kinh tế, dân sự. Điều này là liều thuốc tinh thần mạnh mẽ đối với các doanh nhân, thúc đẩy họ mạnh dạn và có niềm tin về việc Đảng và Chính phủ sẽ cải cách thể chế, xây dựng môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch", luật sư Nghiêm nhấn mạnh.

Thực hiện ngay theo tinh thần nghị quyết

PGS-TS Trần Hoàng Ngân - chuyên gia kinh tế, đại biểu Quốc hội, cho biết lâu nay các đại biểu Quốc hội cũng đã nêu ý kiến về việc không hình sự hóa các vấn đề kinh tế nhưng đến NQ 68 mới thật sự thể hiện cụ thể vấn đề này. Đây là sự đổi mới tư duy, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển song song với thay đổi nhất quán của các cấp nhà nước trong nhận thức về vai trò của kinh tế tư nhân. Từ sự thay đổi đó sẽ tiến đến cải cách, hoàn thiện thể chế để bảo vệ quyền sở hữu tài sản, quyền kinh doanh của kinh tế tư nhân. 

Cụ thể, NQ 68 nêu rõ một trong những giải pháp khi xử lý sai phạm về kinh tế là ưu tiên áp dụng biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước, cho phép các DN, doanh nhân được chủ động khắc phục sai phạm, thiệt hại. Điều này sẽ góp phần khơi dậy khát khao phát triển, tạo ra động lực mới, khí thế mới cho kinh tế tư nhân. Đồng thời việc chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, phân định rõ trách nhiệm hình sự với dân sự trong các hoạt động kinh tế sẽ giúp giới doanh nhân có niềm tin, mạnh dạn hoạt động kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm.

Cũng đánh giá cao NQ 68, nhất là giải pháp không hình sự hóa các sai phạm về dân sự, kinh tế, TS Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế - xã hội (MASSEI), khẳng định điều này tạo nên niềm tin cho DN, doanh nhân rằng môi trường kinh doanh đã cởi mở, thông thoáng. Bởi trong kinh doanh, sẽ có những trường hợp DN không nghĩ rằng mình vi phạm quy định của nhà nước trong khi các cơ quan quản lý lại cho rằng DN cố ý vi phạm. Mà nếu cố ý vi phạm thì có thể chủ DN sẽ bị xử lý hình sự. Thế nhưng theo tinh thần NQ 68 sẽ hướng đến hậu kiểm là chính. Sau kiểm tra, giám sát nếu DN vi phạm thì sẽ xử lý bằng giải pháp hành chính hoặc theo quan hệ dân sự. Việc kết luận xem vi phạm đó có tính chất như thế nào sẽ do tòa dân sự, trọng tài kinh tế công bố dựa trên lý giải, bằng chứng của các bên cung cấp. Khi có kết luận của tòa án dân sự, cơ quan trọng tài thương mại thì DN sẽ chủ động bồi thường cho bên bị thiệt hại. 

"Thời gian qua có nhiều trường hợp cá nhân bị khởi tố hình sự nhưng để đến lúc có được bản án là kéo dài nhiều năm. Đây là thời gian DN "bị treo" vì thông tin tù mù, không biết rõ cá nhân sai phạm hay cả DN. Việc này không chỉ có một cá nhân hay một DN bị ảnh hưởng mà cả lĩnh vực, ngành kinh doanh đó cũng hoang mang", ông Minh phân tích và cho rằng để thật sự tạo niềm tin cho DN, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, các cơ quan quản lý nhà nước có thể xem xét xử lý ngay các vụ vi phạm về chất lượng hàng hóa, quảng cáo không đúng sự thật… đang diễn ra với tinh thần của NQ 68. Đó là ưu tiên xử lý về dân sự, hành chính và cho phép DN, doanh nhân được chủ động khắc phục sai phạm, thiệt hại. Cần phải được thực hiện bằng các hành động cụ thể thì từ các cấp quản lý đến DN mới tin tưởng và quán triệt được tinh thần đổi mới, tư duy của NQ 68 mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã nêu.

Tạo động lực mới, khí thế mới cho kinh tế tư nhân

NQ 68 về phát triển kinh tế tư nhân là một nghị quyết đầy đủ, thể hiện tư duy chiến lược lớn. Nghị quyết đã nêu ra quan điểm chỉ đạo và các giải pháp để thực hiện. Để triển khai NQ 68, Quốc hội sẽ có nhiệm vụ cụ thể hóa các giải pháp trong nghị quyết bằng các luật cụ thể. Chẳng hạn, Quốc hội đang bàn thảo về luật Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó có việc gia tăng tỷ lệ đầu tư cho khoa học công nghệ và chấp nhận những hoạt động không thành công. Việc thay đổi tư duy, chấp nhận cho đội ngũ doanh nhân chủ động khắc phục khi có sai phạm cũng là một vấn đề đáng chú ý. Từ đó tạo động lực mới, khí thế mới cho kinh tế tư nhân.

PGS-TS Trần Hoàng Ngân

Các tin khác

Giá vàng đồng loạt tăng

Vào lúc 9h30 sáng nay (8/5), Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC 120,7 - 122,7 triệu đồng/lượng, tăng nửa triệu đồng/lượng so với trước giờ mở cửa phiên giao dịch.

Thí điểm sàn giao dịch thịt heo

TP - TPHCM vừa lên kế hoạch thí điểm sàn giao dịch thịt heo, kỳ vọng ổn định thị trường và từng bước minh bạch hóa hoạt động giao thương mặt hàng thiết yếu này.

Sầu riêng vẫn loay hoay giải quyết chất vàng O

Được mệnh danh là "vua trái cây" khi vụt sáng cả về giá lẫn sản lượng nhưng cũng chính sầu riêng đang kéo kim ngạch xuất khẩu rau quả quý đầu tiên của năm xuống.

TikToker Lê Việt Hùng bị bắt

Lê Việt Hùng - TikToker thường đăng những video liên quan giao thông - vừa bị Công an tỉnh Lạng Sơn bắt giữ.

Loạt bất cập về đầu tư công tại Đắk Lắk

Đắk Lắk được bố trí trên 18.000 tỷ đồng để thực hiện 506 dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Tuy nhiên, quá trình triển khai, tỉnh này tồn tại hàng loạt bất cập.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam lên phương án mua hàng Mỹ

Lãnh đạo các doanh nghiệp, tập đoàn lớn cho biết từ nay tới tháng 6 sẽ tăng cường gặp gỡ, làm việc với các đối tác Mỹ để thúc đẩy việc hợp đồng để hiện thực hóa các thỏa thuận và biên bản ghi nhớ đã ký kết.