Chiều ngày 7/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, các nhiệm vụ, giải pháp quy định tại Nghị quyết 68 cần được thể chế hóa gồm ba nhóm.
Trong đó, nhóm thứ nhất là các nhiệm vụ, giải pháp có nội hàm tương đối rõ, có tính cấp bách nhưng chưa được thể chế hóa hoặc cần sửa đổi, bổ sung ngay, thuộc thẩm quyền của Quốc hội và không thuộc phạm vi điều chỉnh của các luật đã có trong nội dung Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Nhóm thứ hai gồm các nhiệm vụ, giải pháp có nội hàm tương đối rõ, cần được thể chế hóa hoặc cần sửa đổi, bổ sung ngay và thuộc phạm vi điều chỉnh của các luật đã có trong nội dung Kỳ họp Quốc hội lần này.
Nhóm thứ ba là các nhiệm vụ, giải pháp mang tính định hướng, chưa cấp bách và cần có thời gian nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng để đề xuất xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung các luật liên quan, trình Quốc hội xem xét thông qua.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp. (Ảnh: VGP).
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu khẩn trương cụ thể hóa, thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết 68 để các chính sách sớm đi vào cuộc sống.
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu phải trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết ngay tại Kỳ họp thứ 9 đang diễn ra, nhằm giải quyết ngay những vấn đề cấp bách. Với thời gian ngắn, yêu cầu cao, nội dung phong phú, cần chọn cách tiếp cận phù hợp, khả thi.
Về một số nội dung để tiếp tục hoàn thiện dự thảo, Thủ tướng lưu ý cơ quan soạn thảo tập trung vào những nội dung cần thiết, cấp bách có thể làm ngay mà chưa cần nhiều nguồn lực; những nội dung mang tính chất "cú hích, đòn bẩy, điểm tựa", mang lại tác động, hiệu quả lớn, thực sự tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc, tạo xung lực mới, động lực mới, giải phóng được nguồn lực, sức sản xuất.
Để thực hiện mục tiêu tới năm 2030, cả nước có 2 triệu doanh nghiệp, Thủ tướng nêu rõ thủ tục hành chính phải nhanh nhất có thể, đơn giản nhất có thể và chi phí ít nhất có thể, đặc biệt là đơn giản hóa thủ tục thành lập doanh nghiệp. Đồng thời, có cơ chế thúc đẩy phát triển doanh nghiệp như khuyến khích, tạo điều kiện để hộ kinh doanh thành doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cần cụ thể hóa những nội dung của Nghị quyết 68 về bảo đảm đầy đủ quyền sở hữu tài sản, tự do kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng và đẩy mạnh hợp tác công tư theo các hình thức lãnh đạo công - quản trị tư, đầu tư công - quản lý tư, đầu tư tư - sử dụng công.
Cùng với đó, đẩy mạnh phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư trong việc đặt hàng các công trình, dự án cho doanh nghiệp thực hiện với nguyên tắc bảo đảm tiến độ, chất lượng, không đội vốn và không tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
"Cơ chế thông thoáng nhưng phải có công cụ để tăng cường giám sát, kiểm tra", Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý.
Đặc biệt, dự thảo Nghị quyết cần cụ thể hóa nội dung về "tuân thủ nguyên tắc phân định rõ trách nhiệm hình sự với hành chính, dân sự; giữa pháp nhân và cá nhân trong xử lý vi phạm", bảo đảm nguyên tắc khi xử lý các sai phạm, vụ việc về dân sự kinh tế, ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước, cho phép các doanh nghiệp, doanh nhân được chủ động khắc phục sai phạm, thiệt hại.
Theo đó, trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì kiên quyết không áp dụng xử lý hình sự. Trường hợp đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế trước và là căn cứ quan trọng để xem xét các biện pháp xử lý tiếp theo.
Người đứng đầu Chính phủ giao Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng tiếp tục trực tiếp chỉ đạo xây dựng dự thảo Nghị quyết. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp, tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trong tháng 5 để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9.