"Phản ứng của những người thu ngân thật thú vị", Patrick Paumen, nhân viên an ninh tại Hà Lan, cho hay. Anh có thể tương tác với các thiết bị đọc không chạm nhờ bắt đầu cấy vi xử lý dưới da từ năm 2019.
"Quá trình cấy chip giống như bị ai đó cấu vào tay vậy", người đàn ông 37 tuổi kể lại. Những chip dưới da Paumen dùng công nghệ NFC, có kích thước như hạt gạo và phục vụ cho các mục đích khác nhau như mở cửa, hút nam châm, thanh toán không chạm tại quầy thu ngân...
"Công nghệ liên tục phát triển và tôi sưu tập ngày càng nhiều chip. Các thiết bị này hỗ trợ cơ thể của tôi và tôi không muốn sống thiếu chúng", anh nói.
Cấy chip có phải là tương lai?
Nhiều người tỏ ra hứng thu với ý tưởng cấy chip dưới da. Trong khảo sát được tiến hành với hơn 4.000 người ở Liên minh châu Âu (EU) và Anh năm 2021, các nhà nghiên cứu ghi nhận hơn 51% người được hỏi đang xem xét cấy chip.
Ý tưởng này đã bắt đầu xuất hiện từ thập niên 1990. Lần cấy chip RFID đầu tiên được tiến hành năm 1998 bởi nhà khoa học Kevin Warwich. Từ đó, hàng nghìn người trên khắp thế giới đã cấy chip vào cơ thể.
Các bộ vi xử lý có nhiều lợi ích và đem đến các yếu tố tiện dụng không có trong những phương thức khác. Chip cho phép người dùng không cần mang theo điện thoại, hộ chiếu, chứng minh thư, giấy phép lái xe và nhiều loại giấy tờ thiết yếu khác. Chúng không có hạn sử dụng, không gây đau đớn khi cấy và khó có thể phát hiện trên da.
Có nhiều ý kiến cho rằng chip dưới da sẽ trở thành một trong những tiêu chuẩn phổ biến trong tương lai, giúp đơn giản hóa nhiều mặt trong cuộc sống. Chúng không được kết nối Internet và không chứa pin, cũng không thu phát dữ liệu trừ khi nằm ngay cạnh những đầu đọc có khả năng giải mã tín hiệu.
Các vi xử lý mang đến nhiều tiện ích, nhưng cũng phải đối mặt với sự ngờ vực và lo ngại về bảo mật dữ liệu và nguy cơ theo dõi người sử dụng. Tuy vậy, một số người tin cấy chip sẽ là một phần mở rộng của Internet vạn vật, cho phép các thiết bị chia sẻ thông tin và dữ liệu với nhau và khả năng cao sẽ trở thành điều bình thường trong những năm tới.
(theo BBC)