Mô hình trạm vũ trụ Thiên Hà được trưng bày tại Bắc Kinh vào tháng 4/2021. (Ảnh: Reuters)
Nhóm phi hành gia đã đáp xuống Trái đất an toàn sau 9 giờ đồng hồ rời khỏi mô-đun chính của trạm vũ trụ Trung Quốc.
Khi ở trên quỹ đạo, đội phi hành gia của sứ mệnh mang tên Thần Châu-13 đã thao tác bằng tay để điều khiển mô-đun trong khu sinh hoạt Thiên Hà thực hiện nhiệm vụ mà báo chí Trung Quốc gọi là “thử nghiệm cập bến” với tàu chở hàng Thiên Châu-2.
Sau khi được phóng lên vào tháng 10 năm ngoái, nhóm phi hành gia gồm Zhai Zhigang, Ye Guangfu và nữ thành viên Wang Yaping, trải qua 183 ngày sống và làm việc trên quỹ đạo, thực hiện chuyến đi thứ 5 trong tổng số 11 sứ mệnh cần thiết để hoàn tất trạm vũ trụ riêng của Trung Quốc vào cuối năm nay.
Thần Châu-13 là chuyến thứ 2 trong tổng số 4 sứ mệnh để đưa con người lên hoàn thiện trạm vụ trụ. Trạm này bắt đầu được lắp ghép từ tháng 4/2021. Tàu Thần Châu-12 trở về Trái đất vào tháng 9 năm ngoái.
Hai sứ mệnh tiếp theo của Trung Quốc là phóng tàu chở hàng Thiên Châu-4 và tàu chở 3 phi hành gia Thần Châu-14, ông Shao Limin, phó giám đốc công nghệ của Hệ thống vũ trụ có người lái, nói với báo chí Trung Quốc.
Bị Mỹ cấm tham gia Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS), Trung Quốc dành cả thập kỷ qua để phát triển công nghệ chế tạo trạm vũ trụ riêng.
Đặt mục tiêu trở thành một cường quốc vũ trụ vào năm 2030, Trung Quốc đã phóng thành công tàu thăm dò sao Hoả và trở thành quốc gia đầu tiên đưa tàu tự hành đáp xuống nửa xa của Mặt trăng.