Trong sự kiện giới thiệu cuộc thi lập trình "Coding Camp - Phá băng Web 3.0 với Solana" ngày15/4, ông Nguyễn Thế Vinh, đồng sáng lập Coin98, cho rằng blockchain hiện vẫn là thị trường ngách nên vô tình bài toán nhân sự là nút thắt cổ chai với nhiều startup.
"Những người có kinh nghiệm thật sự khan hiếm vì ngành quá mới mẻ. Việc thuyết phục người giỏi từ lĩnh vực khác nhảy sang cũng không hề dễ dàng. Khát nhân sự luôn là khó khăn muôn thuở trong lĩnh vực này", ông Vinh nói.
Trước đó, trong tọa đàm Leader Talks do VnExpress tổ chức cuối tháng 3, ông Huy Nguyễn, CEO KardiaChain, cho biết nhân sự công nghệ vốn không bao giờ đủ, trong lĩnh vực mới như blockchain lại càng hiếm hơn. "Nếu theo công thức một quốc gia cần 1% dân số để phát triển những ngành mới, Việt Nam phải cần ít nhất một triệu nhân lực. Tuy nhiên trên thực tế mới chỉ đáp ứng được 1-2% nhu cầu của thị trường", ông Huy cho biết.
Tuy nhiên, với gần 30 năm làm việc trong lĩnh vực công nghệ và từng trải qua thăng trầm của thị trường, ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Telecom, đánh giá vấn đề nhân sự chỉ là thách thức ngắn hạn, không cần quá lo ngại. "Hiện tại blockchain không chỉ được một vài công ty đầu tư mà nhiều đơn vị cùng làm. Mỗi nơi lại khai thác một khía cạnh khác nhau nên đội ngũ ngày càng đông", ông Tiến nói tại sự kiện Coding Camp.
Theo ông, kỹ sư Việt Nam có năng lực đặc biệt là học rất nhanh. Bên cạnh đó, đội ngũ lãnh đạo công nghệ thế hệ mới của Việt Nam có một thế mạnh là kết nối rất tốt với những trung tâm, đội ngũ công nghệ lớn trên thế giới, điều những người đi trước không làm được.
Không chỉ các startup, ngay cả những công ty công nghệ lớn cũng tham gia vào lĩnh vực công nghệ mới là blockchain. Ông Tiến cho biết FPT Software đang có khoảng 20.000 kỹ sư phần mềm, trong đó đội làm blockchain cũng rất lớn, đang đặt cược nhiều với những tín hiệu khả quan.
Bổ sung cho nhận định của ông Tiến, bà Tamar Menteshashvili, người đứng đầu mảng phát triển hệ sinh thái của Solana Labs, cho rằng với những lợi thế sẵn có của đội ngũ kỹ sư Việt, Solana lạc quan Việt Nam sẽ trở thành quốc gia phát triển mạnh về Web 3.0 và blockchain.
"Việt Nam là quốc gia với 63% dân số am hiểu cách sử dụng smartphone và thuộc top đầu về tỷ lệ người tham gia thị trường tiền mã hóa. Gần đây, đã có ba đội Việt Nam chiến thắng tại cuộc thi hackathon toàn cầu, khiến các quỹ đầu tư lớn càng thêm tin tưởng vào tiềm năng của các dự án phát triển từ nhóm kỹ sư Việt", bà Menteshashvili nói.
Để hỗ trợ giải quyết thách thức trong vấn đề nhân sự blockchain Việt Nam, đại diện Solana cam kết sẽ cùng các đối tác lớn như Coin98 và Sentre dành nguồn lực cho những nhà phát triển dự án từ Việt Nam, đặc biệt lĩnh vực đào tạo kỹ sư chất lượng cao.
Một trong những chương trình đáng chú ý là cuộc thi lập trình "Coding Camp - Phá băng Web 3.0 với Solana" dành cho các kỹ sư Việt. Đây là không gian cho các lập trình viên thử sức với Web 3.0 và nhận thưởng hấp dẫn.
Cuộc thi cũng xây dựng một metaverse để các kỹ sư tìm hiểu về Web 3.0. Trong metaverse này, mọi người có thể tiếp cận tài liệu và học về Web 3.0, sử dụng ngôn ngữ lập trình Rust. 10 lập trình viên có sự thể hiện nổi bật trong cuộc thi sẽ có cơ hội được tuyển dụng, làm việc cho hệ sinh thái Solana trên phạm vi toàn cầu.
Theo ông Tiến, nếu đội ngũ nhân sự Việt có thể nắm bắt được cách thiết kế xây dựng Web 3.0 đồng nghĩa cầm trên tay tấm thẻ công dân toàn cầu. "Với kinh nghiệm 10 năm theo dõi thị trường công nghệ, startup, tôi khẳng định tương lai của Việt Nam với công nghệ blockchain là hoàn toàn rộng mở. Bây giờ không phải quá chậm để bắt đầu nhưng nếu không nỗ lực, chúng ta sẽ bị bỏ lại", chủ tịch FPT Telecom nhận định.