Tài chính

FLC bị phong tỏa tài khoản ngân hàng, cưỡng chế 124,8 tỷ đồng

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Tập đoàn FLC mới đây đã công bố thông tin về việc bị cưỡng chế tài khoản ngân hàng trong thời gian từ ngày 30/3/2022 đến ngày 13/4 vừa rồi mới được mở lại.

Hôm 7/4 vừa rồi, Tập đoàn FLC đã nhận được công văn ngày 4/4 của Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HoSE) về việc công bố thông tin tập đoàn.

Cụ thể, Chi cục thuế khu vực Tp.Sầm Sơn - Quảng Xương đã ban hành 11 quyết định trong ngày 30/3/2022 đối với FLC. Nội dung là việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản/yêu cầu phong tỏa tài khoản đối với FLC, mở tại 11 ngân hàng: VPBank chi nhánh Hà Nội; VIB chi nhánh Quận 1 Tp.HCM, OCB chi nhánh Hà Nội, Vietcombank Hội sở, BIDV chi nhánh Bình Định, BIDV chi nhánh Tây Sơn Bình Định, Agribank chi nhánh Tây Đô, Vietcombank chi nhánh Thanh Hóa, Vietcombank chi nhánh Vĩnh Phúc, Vietinbank chi nhánh Sầm Sơn và BIDV chi nhánh Thanh Hóa.

Lý do bị cưỡng chế là do doanh nghiệp này nợ tiền thuế quá hạn 90 ngày theo quy định. Số tiền bị cưỡng chế là 124,8 tỷ đồng.

Đến ngày 13/4/2022, FLC đã nhận được văn bản số 787/CCT-KT của Chi cục thuế khu vực Tp.Sầm Sơn - Quảng Xương, về việc mở phong tỏa tài khoản tiền gửi tại tổ chức tín dụng, ngân hàng.

Đến hôm nay (15/4) FLC mới có văn bản chính thức thông tin về sự việc đến Uỷ ban Chứng khoán Tp.HCM (HoSE) và cổ đông doanh nghiệp. 

FLC bị phong tỏa tài khoản ngân hàng, cưỡng chế 124,8 tỷ đồng - 1

Cổ phiếu "họ FLC" lao dốc khi loạt lãnh đạo bị tạm giam để điều tra về hành vi thao túng thị trường chứng khoán. (Ảnh: SSI)

Mới đây, 2 thành viên là ông Nguyễn Chí Cương và bà Phan Thị Bích Phượng đã gửi đơn từ nhiệm chức vụ thành viên Ban Kiểm soát tới Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC. Tập đoàn này cho biết sẽ báo cáo và trình Đại hội đồng cổ đông Tập đoàn FLC thông qua việc miễn nhiệm chức vụ thành viên Ban kiểm soát đối với 2 thành viên tại cuộc họp gần nhất. Nếu đơn từ nhiệm được thông qua, Ban Kiểm soát của FLC chỉ còn lại một thành viên là ông Nguyễn Đăng Vụ.

Tập đoàn FLC mới đây cũng đã thông báo hủy danh sách cổ đông lập ngày 23/3 để tham dự đại hội cổ đông thường niên 2022, đồng thời gia hạn thời gian tổ chức Đại hội đến hết tháng 6/2022 theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Trước khi hai thành viên Ban Kiểm soát nói trên từ nhiệm, Tập đoàn FLC đã trải qua nhiều thay đổi lớn về thượng tầng. Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Quyết bị khởi tố và bắt tạm giam vào ngày 29/3 về tội thao túng thị trường chứng khoán và che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán. Ngày 31/3, ông Đặng Tất Thắng - CEO của Bamboo Airways được bầu làm Chủ tịch HĐQT của FLC thay ông Quyết.

Ông Quyết đã ủy quyền cho Phó Tổng Giám đốc Vũ Đặng Hải Yến thực hiện toàn bộ quyền cổ đông tại FLC, Bamboo Airways; quyền liên quan đến các tài sản, quyền tài sản thuộc sở hữu của ông Quyết.

Sau đó, bà Trịnh Thị Minh Huế - một cán bộ kế toán, em gái ông Quyết, và bà Hương Trần Kiều Dung - Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT của FLC đã bị bắt với cáo buộc giúp sức ông Trịnh Văn Quyết thao túng thị trường chứng khoán.

Nhóm cổ phiếu thuộc hệ sinh thái FLC Group phiên ngày 15/4 ghi nhận các mã FLC, ROS, HAI, ART, AMD đều giảm sàn và mã KLF lao dốc 5,8%. Thị giá các mã này đều mất khoảng 30-45% kể từ lùm xùm liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết xảy ra hôm 29/3.

Chia sẻ
Theo Trần Thu Thảo (Người đưa tin)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm