Tài chính

Hình ảnh "đu cột câu cá" quen mắt với các chứng sĩ Việt và câu chuyện buồn phía sau của một quốc gia đang vỡ nợ

Nghề mưu sinh độc đáo

Không chỉ nổi tiếng trong cộng đồng du lịch toàn cầu, câu cá cà kheo (Stilt fishing) cũng khá quen mắt đối với cộng đồng chứng sĩ Việt. Hình ảnh những ngư dân ngồi chênh vênh trên mặt biển thường xuyên được truyền thông, mạng xã hội Việt Nam sử dụng làm ảnh đại diện mỗi khi thị trường biến động, tạo cho nhà đầu tư cảm giác chênh vênh.

Cái tên câu cá cà kheo bắt nguồn từ chính hình dạng của thiết bị mà ngư dân Sri Lanka ngồi lên để câu cá. Nó giống như một cái cà kheo khổng lồ vươn lên từ mặt biển. Cấu trúc này chỉ bao gồm 1 cây cột thẳng đứng,1 thanh ngang để ngồi và một thanh chéo giúp gia cố lực đỡ cho thanh ngang. Sự chênh vênh là không cần bàn cãi, có chăng, ngư dân Sri Lanka đã quen với sự điều đó.

Với hình thức thô sơ, người ta chắc hẳn cho rằng câu cá cà kheo đã có lịch sử từ rất lâu đời ở quốc đảo Sri Lanka. Tuy nhiên, hình thức này mới chỉ xuất hiện từ Thế chiến thứ 2, khi tình trạng thiếu lương thực và các điểm câu cá quá đông khiến một số người phát minh ra phương pháp này để dễ dàng bắt cá.

Ban đầu, người ta sử dụng những con tàu bị lật hay xác những chiếc máy bay bị bắn rơi để ngồi câu. Sau đó, người ta linh hoạt hơn khi sử dụng những cây cột, cắm đứng trên các rạn san hô, để câu. Các ngư dân thường câu cá kiểu này vào hoàng hôn và bình minh.

Hình ảnh đu cột câu cá quen mắt với các chứng sĩ Việt và câu chuyện buồn phía sau của một quốc gia đang vỡ nợ - Ảnh 1.

Tuy nhiên, phương pháp câu cá này cũng đang dần mai một. Trận sóng thần tàn phá phần lớn bờ biển Ấn Độ Dương đã làm thay đổi vĩnh viễn bờ biển Sri Lanka, khiến nguồn cá cũng suy giảm theo. Khi có gió mùa, phương thức này cũng không thể thực hiện. Giờ đây, người dân Sri Lanka kiếm sống bằng cách cho khách du lịch thuê những chiếc cà kheo này để chụp ảnh.

Thế nhưng, kế sinh nhai này của ngư dân Sri Lanka cũng đang bị đe dọa nghiêm trọng. Đại dịch Covid-19 đã khiến lượng du khách tới quốc đảo này giảm sút nghiêm trọng trong 2 năm qua. Điều đó đồng nghĩa với việc chẳng có ai thuê những chiếc cà kheo này để chụp ảnh trong khi nó cũng không mang về nhiều cá.

Cuộc khủng hoảng tồi tệ ở quốc đảo 22 triệu dân

Khi đại dịch có dấu hiệu được kiểm soát, du khách bắt đầu trở lại, Sri Lanka lại đối đầu với thách thức mới khi quốc gia này đã chính thức tuyên bố vỡ nợ lên tới hơn 50 tỷ USD. Người dân đổ lỗi cho chính phủ hiện hành, với nhiều quyết sách được đánh giá là sai lầm, đã khiến cuộc sống của 22 triệu người rơi vào cảnh bết bát.

Cùng với đó, các cuộc biểu tình đã bùng lên ở Thủ đô Solomon và nhiều thành phố lớn khác. Bất ổn khiến du khách nước ngoài, vốn đã ít ỏi, lại càng trở nên hiếm hoi ở Sri Lanka. Không có ngoại tệ, tình trạng khan hiếm thực phẩm, thuốc men và nhiên liệu trở nên vô cùng tồi tệ tại quốc đảo Ấn Độ Dương này.

Hình ảnh những hàng người dài như vô tận ở các trạm cung nhiên liệu, những siêu thị hết đồ hay những bệnh viện không thể hoạt động vì thiếu điện đã trở thành "bình thường mới" ở quốc đảo này. Tuy nhiên, không người dân nào có thể làm quen được với tình cảnh đó.

Hình ảnh đu cột câu cá quen mắt với các chứng sĩ Việt và câu chuyện buồn phía sau của một quốc gia đang vỡ nợ - Ảnh 2.

Có nhiều cái chết thương tâm được ghi nhận do tình trạng thiếu hụt toàn diện ở Sri Lanka, quốc gia vốn nhập khẩu gần như mọi thứ, từ lương thực tới thuốc men hay nhiên liệu. Trong khi Chính phủ Sri Lanka đang đề nghị viện trợ khẩn cấp từ Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF hay hỗ trợ từ chủ nợ lớn nhất là Trung Quốc, người dân nước này vẫn chưa biết cuộc sống tồi tệ hiện nay sẽ kéo dài tới bao giờ.

Những gì đang xảy ra có lẽ là điều vô cùng đáng tiếc với quốc đảo Ấn Độ Dương. Những ưu đãi từ mẹ thiên nhiên giúp Sri Lanka là một trong những thiên đường du lịch của thế giới. Trước đại dịch, du lịch mang lại 12% GDP của đất nước. Ngoài ra, nơi đây còn nằm trên các tuyến đường thương mại hàng hải quốc tế, tạo ra một tiềm năng to lớn nhưng chưa được khai phá xứng tầm.

Giành được độc lập từ năm 1948 nhưng hòa bình chưa thực sự tới với quốc đảo 22 triệu dân này. Đúng dịp Lễ Phục sinh năm 2019 tại Sri Lanka, một loạt vụ đánh bom được tiến hành nhằm và các nhà thờ và khách sạn trên khắp đất nước, bao gồm thủ đô thương mại Colombo. Kết quả là 258 người đã thiệt mạng.

Đây là cuộc khủng bố thảm khốc nhất ở Sri Lanka kể từ năm 2009 và sau cuộc nội chiến của đất nước. Nó giáng một đòn mạnh vào du lịch của quốc gia. Khi du khách bắt đầu trở lại, đại dịch Covid-19 bồi thêm một đòn tồi tệ khác với quốc đảo này.

Trong giai đoạn dịch bệnh hoành hành, Chính phủ Sri Lanka tiếp tục ban bố chính sách giảm thuế, gây áp lực thêm cho ngân sách vốn đã hạn hẹp của đất nước. Sau đó, nhà chức trách bất ngờ ban bố lệnh cấm với phân bón hóa học và thuốc trừ sâu mà không cho nông dân thời gian chuẩn bị, dẫn tới việc từ một nước tự chủ gạo, Sri Lanka phải bỏ tới 600 triệu USD để nhập khẩu lương thực. Sản lượng chè, nông sản xuất khẩu chủ lực của quốc gia này, cũng bị sụt giảm nghiêm trọng.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm